Multimedia Đọc Báo in

Thi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Chủ động bảo đảm an ninh - trật tự

08:47, 22/05/2024

Huyện Krông Pắc là địa phương có chiều dài tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (gọi tắt là cao tốc) đi qua dài nhất với hơn 33 km qua địa bàn 8 xã.

Trong điều kiện tập trung nhiều nhà thầu và công nhân lao động tham gia thi công dự án, Công an huyện Krông Pắc đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn huyện Krông Pắc nằm trong Dự án thành phần 3 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh (Ban tỉnh) làm chủ đầu tư.

Qua nắm bắt của Công an huyện Krông Pắc, hiện có 6 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang triển khai thi công các gói thầu với gần 650 công nhân, lao động và hơn 200 phương tiện các loại.

Với đặc thù công nhân, lao động đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước và được bố trí lưu trú, sinh hoạt ngay tại các lán trại trên công trường, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự; trong đó có tình trạng mất đất đổ thải và các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh và mua bán vật liệu liên quan đến dự án.

Cảnh sát giao thông Công an huyện Krông Pắc kiểm tra tải trọng phương tiện vận chuyển vật liệu phục vụ thi công cao tốc.

Để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng phương án ngăn ngừa vi phạm, Công an huyện Krông Pắc đã triển khai điều tra cơ bản đối với các công ty kết hợp tuyên truyền trực tiếp tại các lán trại, hướng dẫn công nhân đăng ký lưu trú theo quy định. Thông qua đó, các tổ công tác cũng kiểm tra điều kiện phòng chống cháy nổ, an toàn lao động; rà soát, nắm tình hình về tệ nạn xã hội. Ngoài ra, Công an huyện cũng tổ chức mời công nhân là lái xe thi công công trình để nhắc nhở, tuyên truyền và ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các vi phạm chở quá khổ, quá tải, chở vật liệu không che chắn…

Ngay đầu tháng 3/2024, Công an huyện đã tổ chức hội nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến việc thi công dự án cao tốc gồm: Công an huyện, Ban tỉnh, UBND 8 xã có cao tốc đi qua và 6 doanh nghiệp trực tiếp thi công xây dựng cao tốc. Qua đó, các đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin theo chức năng, nhiệm vụ nhằm tăng cường phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, quản lý kinh tế, trật tự an toàn giao thông.

Công an huyện Krông Pắc kiểm tra đăng ký lưu trú tại lán trại của công nhân thi công cao tốc.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm cũng đã được triển khai quyết liệt. Công an huyện đã lập 6 tổ công tác tăng cường bám nắm địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm. Chỉ trong tháng ra quân cao điểm từ ngày 12/3 – 11/4, các tổ công tác đã phát hiện 11 trường hợp vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ liên quan đến quá trình thi công cao tốc với các lỗi như: chở hàng quá trọng tải, không che mui bạt, chở hàng vượt quá chiều cao… Các trường hợp vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 150 triệu đồng. Đồng thời, thông tin tài xế vi phạm cũng được Công an huyện chuyển tới các doanh nghiệp sử dụng lao động để phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý.

Theo Trung tá Kiều Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Krông Pắc, sau một tháng ra quân cao điểm triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, các mặt an ninh trật tự, an toàn  giao thông liên quan đến công tác thi công cao tốc đã có tiến triển rõ nét. Công nhân, lao động, đặc biệt là đội ngũ lái xe của các công ty tuân thủ tốt các quy định về lưu trú, điều khiển phương tiện, chưa phát hiện tệ nạn hoặc các biểu hiện phức tạp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân khu vực thi công cao tốc.

Những nỗ lực đảm bảo an ninh – trật tự, chủ động ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật đã góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.