Multimedia Đọc Báo in

Đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công

11:35, 12/06/2024

Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (gọi tắt là Nghị định 99) cho thấy, về cơ bản các nội dung quy định tại Nghị định 99 đã điều chỉnh một cách toàn diện các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán vốn đầu tư công và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, phân định trách nhiệm, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư công, theo tôi cần có một số giải pháp như sau:

Cần thống nhất về phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Nghị định 99 quy định về phạm vi điều chỉnh việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công bao gồm: dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN); nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư có sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tuy nhiên, tại điểm 22, Điều 4 văn bản hợp nhất của Văn phòng Quốc hội (số 41/VBHN-VPQH ngày 27/12/2023) thì vốn đầu tư công chỉ bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Quy hoạch thì nhiệm vụ quy hoạch là các hoạt động được thực hiện để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch; theo đó tại điểm đ, Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khóa XV quy định: “được sử dụng kinh phí thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch mà đến thời điểm nghị quyết này có hiệu lực thi hành mà chưa được bố trí vốn”.

Như vậy, việc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn thường xuyên cho nhiệm vụ quy hoạch là chưa thống nhất giữa Nghị định 99 và Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội; các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN nói chung và vốn đầu tư công nói riêng.

Khắc phục tình trạng tạm ứng kéo dài, chậm thu hồi vốn

Theo quy định tại Nghị định 99, nguyên tắc tạm ứng vốn là chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất về mức vốn tạm ứng (không quá 30% giá trị hợp đồng, trường hợp cần tạm ứng cao hơn phải được người có thẩm quyền cho phép), thời điểm tạm ứng, mức thu hồi và thời điểm thu hồi tạm ứng từng lần phải được ghi cụ thể trong hợp đồng, phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện theo từng năm.

Thi công đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết

Thông qua công tác kiểm soát chi của cơ quan Kho bạc Nhà nước cho thấy, một số chủ đầu tư và nhà thầu có cách hiểu khác nhau về “thời điểm” thu hồi tạm ứng từng lần, do đó chưa xác định chính xác thời điểm cụ thể phải thu hồi tạm ứng (ngày/tháng/năm) mà thường ghi chung chung là một khoảng thời gian “chậm nhất là đến quý/năm” hoặc là “căn cứ vào tỷ lệ % khối lượng nghiệm thu so với giá trị hợp đồng để thu hồi tỷ lệ %/số dư tạm ứng”.

Theo cách hiểu phổ quát, thông dụng thì Nghị định 99 quy định “thời điểm” thu hồi tạm ứng là một ngày nào đó được xác định (ngày/tháng/năm) sau 3 tháng kể từ thời điểm tạm ứng đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc sau 3 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi tạm ứng theo quy định của hợp đồng (đối với hợp đồng xây dựng và hợp đồng của dự án không có cấu phần xây dựng).

Bên cạnh đó, theo Nghị định 99, thời hạn thu hồi tạm ứng đối với dự án thực hiện theo hợp đồng là “vốn tạm ứng quá hạn thu hồi sau 3 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi tạm ứng theo quy định của hợp đồng… chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan kiểm soát, thanh toán để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho NSNN”.

Như vậy, căn cứ theo hợp đồng (phụ lục hợp đồng), sau thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi tạm ứng theo quy định của hợp đồng mà chủ đầu tư và nhà thầu chưa thu hồi tạm ứng thì được coi là tạm ứng quá hạn và lúc này cơ quan Kho bạc Nhà nước sẽ phối hợp với chủ đầu tư để đôn đốc nhà thầu thu hồi cho NSNN.

Tuy nhiên, trên thực tế, thông thường sắp đến thời gian cuối cùng để xác định tạm ứng quá hạn thì chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành làm các phụ lục hợp đồng để điều chỉnh thời gian thu hồi tạm ứng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tạm ứng kéo dài nhiều năm, có thể dẫn đến rủi ro khó thu hồi do nhà thầu phá sản, giải thể hoặc các nguyên nhân khác... Đồng thời, việc tạm ứng kéo dài nhiều năm đã phát sinh số liệu chuyển nguồn vốn đầu tư luôn giữ ở mức cao, theo đó hiệu quả sử dụng vốn thấp; công trình, dự án chậm đưa vào sử dụng.

Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ, ngoài việc đôn đốc, nhắc nhở, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh để các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm khi ký kết hợp đồng với nhà thầu. Theo đó cần ràng buộc các điều khoản chặt chẽ gắn liền với tiến độ thi công, thời gian thực hiện hợp đồng, hạn chế cho phép kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng; đồng thời cam kết đẩy nhanh khối lượng hoàn thành từng giai đoạn, xây dựng kế hoạch sử dụng vốn ứng và hoàn ứng đúng quy định, tránh tạm ứng kéo dài, quá hạn. Mặt khác, cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ; xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư về kết quả giải ngân và thu hồi vốn ứng đúng quy định.

Cắt giảm quy trình thanh toán bồi thường giải phóng mặt bằng

Thực tế tổ chức thực hiện việc tạm ứng, thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại cơ quan Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có phát sinh các trường hợp: (1) Chủ đầu tư mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và thực hiện chi trả trực tiếp cho người thụ hưởng; (2) Chủ đầu tư thỏa thuận với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện chi trả cho người dân, theo đó mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện để tiếp nhận vốn tạm ứng từ chủ đầu tư chuyển đến.

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 99, tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh khi chủ đầu tư đề nghị rút vốn tạm ứng từ tài khoản dự toán sang tài khoản tiền gửi (để chuyển về tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện) đã cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý quy định tại khoản 1 (hồ sơ gửi lần đầu), khoản 2 (hồ sơ gửi từng lần tạm ứng) và điểm b, khoản 3 (hồ sơ thanh toán). Tuy nhiên, Khoản 5, Điều 9 Nghị định 99 (hồ sơ đối với các khoản chi từ tài khoản tiền gửi) cũng yêu cầu khi tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư rút vốn từ tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện cũng phải cung cấp hồ sơ pháp lý và thủ tục tương tự như tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.

Như vậy, cùng một khoản chi, cùng một chủ đầu tư, song khi rút vốn (tạm ứng, thanh toán) lại phát sinh hai lần là tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết.

Nguyễn Công Điều

(Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc