Multimedia Đọc Báo in

Giá heo tăng cao, người dân vẫn thận trọng tái đàn

08:27, 24/06/2024

Hiện nay, giá heo hơi đang ở mức cao, tuy nhiên người dân vẫn thận trọng tái đàn vì sợ rủi ro về dịch bệnh và giá cả.

Sau một thời gian dài ảm đạm, giá heo hơi trên cả nước liên tục tăng nhanh trong vài tháng trở lại đây. Trên địa bàn tỉnh, giá heo hơi đang duy trì ở mức 64.000 - 67.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao nhất trong hơn một năm qua.

Dù giá heo tăng cao, anh Hứa Văn Phó (thôn 1A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) vẫn thận trọng trong tái đàn.

Bà Nguyễn Thị Thiết (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, gia đình bà mới xuất bán 5 con heo thịt với giá 65.000 đồng/kg. Hiện gia đình bà vẫn còn 1 con heo nái và 17 con heo thịt để nuôi "gối đầu" đến cuối năm. “Mặc dù giá heo tăng cao nhưng tôi vẫn chưa dám mạnh dạn tăng đàn vì giá cả lên xuống không ổn định, thời tiết diễn biến thất thường khiến tình hình dịch bệnh hết sức khó lường. Trước mắt, gia đình chỉ tập trung chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho đàn heo đang nuôi trong chuồng”, bà Thiết chia sẻ.

Trang trại của bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn 5, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) hiện đang nuôi 200 con heo thịt và 30 con heo nái. Thời gian qua, gia đình bà luôn chủ động được nguồn con giống, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn bởi giá heo hơi và các loại thức ăn chăn nuôi lên xuống thất thường, nguy cơ dịch bệnh tấn công cao. Do đó, dù thời điểm này giá heo hơi tăng cao nhưng bà vẫn quyết định giữ ổn định đàn nuôi với hy vọng thị trường bình ổn. 

Ông Trần Bá Đề (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đang chăm sóc đàn heo của gia đình.

Còn theo anh Hứa Văn Phó (thôn 1A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ), mặc dù quy mô chuồng trại của gia đình anh nuôi được khoảng 50 con heo thịt, nhưng hiện anh chỉ tập trung nuôi 2 con heo nái và 20 con heo thịt. Dù giá heo hơi tăng nhưng anh vẫn chưa thể yên tâm đầu tư phát triển đàn vì chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Ngoài ra, giá heo hơi trên thị trường vẫn bấp bênh, khó dự đoán. “Nhờ chủ động con giống từ đàn heo sinh sản của gia đình nên tôi rất yên tâm trong việc chăn nuôi. Để heo khỏe mạnh, tôi tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin. Khi thấy thời tiết thay đổi thì bổ sung thêm vitamin để tăng sức đề kháng cho heo. Trời mưa thì ngăn gió lùa, nắng thì để cho chuồng trại thoáng mát. Thức ăn thì chọn mua tại đại lý có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng”, anh Phó cho biết.

Theo bà Lê Thanh Hà, cán bộ thú y xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn heo vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số nơi. Để bảo đảm tái đàn hiệu quả và tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh, người dân cần bố trí khu cách ly, nuôi nhốt đàn heo mới nhập về ở khu riêng khoảng 15 ngày, sau đó kiểm tra các điều kiện vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, bảo đảm chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát để chống những tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, người dân nên mua con giống ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không mua con giống trôi nổi khi chưa kiểm chứng được nguồn gốc...

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.