Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

19:12, 05/06/2024

Chiều 5/6, Ban chỉ đạo Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn đi qua địa bàn huyện Krông Pắc đã tổ chức họp xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có liên quan. Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột huyện Krông Pắc (gọi tắt là Hội đồng bồi thường) đến nay, đơn vị đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 223,11 ha/223,11 ha (đạt 100%), chiều dài 33,314 km/33,314 km (đạt 100%).

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến phát biểu tại cuộc họp.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến phát biểu tại cuộc họp.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã tiếp nhận hơn 644 tỷ đồng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư theo quy định; đã thực hiện giải ngân trên 622 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Hiện vẫn còn một số hộ tại các xã Tân Tiến, Hòa Tiến, Vụ Bổn chưa thống nhất nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Nguyên nhân chính là do các hộ kiến nghị về giá đất bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp với giá thị trường; một số hộ có công trình nhà ở nằm ngoài ranh giới thu hồi nhưng bị ảnh hưởng về kết cấu, công năng sử dụng nên đề nghị được kiểm đếm, thu hồi toàn bộ căn nhà.

Đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia cuộc họp.
Đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia cuộc họp.

Qua khảo sát, nắm tình hình thực tế, Hội đồng bồi thường nhận định kiến nghị của các hộ có nhà ở bị ảnh hưởng là có cơ sở. Chẳng hạn như nhà ở của 3 hộ tại xã Tân Tiến sẽ nằm phía dưới cầu vượt, thấp hơn mặt đường 2,7 m và không có lối đi khi công trình cao tốc thi công; 1 hộ dân tại xã Vụ Bổn có nhà ở bị ảnh hưởng phần hiên khi thi công công trình nhưng lại bị ảnh hưởng nặng đến công năng sử dụng của cả căn nhà. Hiện, do quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn của các cơ quan cấp trên vẫn còn chưa cụ thể để giải quyết kiến nghị của người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh báo cáo tiến độ và các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh báo cáo tiến độ và các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, công tác dời cơ sở hạ tầng như công trình đường dây 500 kV và các đường dây dưới 35 kV trong phạm vi giải phóng mặt bằng còn chậm do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục và khối lượng di dời lớn.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã có cao tốc đi qua và nhà thầu thi công đã nêu nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân theo đúng quy định pháp luật, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục GPMB.

Đại diện đơn vị thi công nêu ý kiến về các khó khăn và đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ trong quá trình thực hiện gói thầu.
Đại diện đơn vị thi công nêu ý kiến về các khó khăn và đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ trong quá trình thực hiện gói thầu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến đề nghị Hội đồng bồi thường chủ trì làm việc với các đơn vị có liên quan và các nhà thầu đẩy nhanh các phần việc di dời cơ sở hạ tầng trong phạm vi giải phóng mặt bằng; có thể xem xét việc dừng hợp đồng đối với đơn vị thi công không tích cực triển khai nhiệm vụ của gói thầu.

Việc xử lý các khó khăn, vướng mắc phải bám sát các quy định pháp luật, khẩn trương báo cáo, đề xuất cụ thể các vấn đề vượt thẩm quyền để cơ quan cấp trên hỗ trợ tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt cho các đơn vị thi công thực hiện công trình đảm bảo tiến độ đề ra.

Đinh Nga

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.