Multimedia Đọc Báo in

Kiến tạo, xây dựng môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển

08:27, 30/06/2024

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP, ngày 9/5/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN THĂNG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ tỉnh về vấn đề này.

* Đội ngũ doanh nhân đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 66 sẽ tạo động lực như thế nào để tiếp tục phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Trước đây, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới.

Để thực hiện Nghị quyết số 41, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66. Điều này thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển.

Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết 41 đã đáp ứng mong đợi của giới doanh nhân và thực tiễn xã hội. Nghị quyết 41 nêu rõ quan điểm đội ngũ doanh nhân không chỉ có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chính những điều này đã tạo thêm động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân với mục tiêu đến năm 2045 sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk Trần Thăng.

* Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, điều phối, luôn đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp. Vậy theo ông, vai trò này được thể hiện cụ thể như thế nào qua chương trình hành động theo nghị quyết trên?

Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 41. Tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ của Chính phủ thể hiện ở sự nỗ lực kiến tạo, xây dựng, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình hành động cũng đặt ra một số mục tiêu từ nay đến năm 2030 như: có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD; có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn...

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình hành động cũng đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, sát với thực tiễn để các bộ, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện như: hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến; phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...

* Để triển khai thực hiện nghị quyết một cách hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn, gửi gắm điều gì, thưa ông?

Để các nghị quyết trên sớm đi vào cuộc sống, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp chúng tôi mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cấp ủy với tập thể lãnh đạo doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại nhằm động viên, chia sẻ với  khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân…

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk tham gia hội nghị doanh nghiệp và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cung cấp

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, hiện có 142 hội viên, 3 câu lạc bộ, 4 chi hội trực thuộc tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã tổ chức các chương trình, sự kiện kết nối như: “Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp”; tham dự nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do UBND tỉnh và các sở, ngành tổ chức. Bên cạnh đó, Hội còn tài trợ và tổ chức các chương trình văn hóa, thể dục thể thao, an sinh xã hội với tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng hội viên; thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên; đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội; tăng cường các hoạt động giao thương, xúc tiến, kết nối thương mại; phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Tiến (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc