Multimedia Đọc Báo in

Lãng phí nguồn lực từ trạm bơm bỏ hoang

08:22, 11/06/2024

Dù có ruộng gần với trạm bơm hàng chục tỷ đồng, nhưng nhiều năm nay hàng trăm héc-ta lúa nước của người dân xã Bông Krang (huyện Lắk) vẫn đối mặt với tình trạng hạn hán, người dân phải chật vật sử dụng máy bơm dã chiến để dẫn nước vào ruộng.

Theo thiết kế, công trình trạm bơm buôn Mă gồm cụm đầu mối, 4 tổ máy bơm; 1 kênh dẫn dài khoảng 1.500 m, (đáy kênh rộng 6 m, sâu khoảng 3 m); kênh chính dài 1.600 m; kênh N2 dài khoảng 820 m; kênh N4 dài 835 m.

Trạm bơm “đắp chiếu”

Với mục đích dẫn nước từ hồ Lắk lên tưới cho 150 ha lúa tại các cánh đồng xã Bông Krang, năm 2001, Trạm bơm buôn Mă được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng. Sau khi hoàn thành, công trình bước đầu đã phát huy hiệu quả phục vụ nguồn nước tưới cho cánh đồng lúa trên địa bàn xã, song chỉ được một thời gian thì dừng hoạt động.

Nguyên nhân dừng hoạt động được cho là do địa chất khu vực kênh dẫn là đất cát và đất cát pha, trong quá trình trạm bơm vận hành, hệ thống kênh dẫn bị sạt lở và bồi lấp. Hằng năm đơn vị quản lý công trình đều tiến hành nạo vét lòng kênh, tuy nhiên do kinh phí hạn chế không thể khắc phục được triệt để.

Cụm tổ máy bơm của trạm bơm buôn Mă bị cây cỏ và đất cát bồi lấp trong thời gian dài.

Mục sở thị tại công trình thủy lợi này, phóng viên ghi nhận: Cánh cửa ở cụm đầu mối trạm bơm đã bị hoen gỉ; từ vị trí 4 tổ máy bơm và hệ thống kênh dẫn ra tận hồ Lắk, cây mai dương, cỏ dại mọc um tùm. Thậm chí một số vị trí kênh dẫn đất, cát bồi lấp lâu ngày thành một đường mòn đi lại.

Theo Chi nhánh thủy lợi huyện Lắk (Công ty TNHH Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk) – đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành trạm bơm, thực hiện Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 6/11/2014 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã nhận bàn giao quản lý công trình trạm bơm buôn Mă. Song, đơn vị chỉ nhận bàn giao theo hiện trạng thực tế, chứ không có bất cứ hồ sơ liên quan. Năm 2015 – 2016, đơn vị đã tiến hành vận hành bơm tưới cho một số diện tích màu thuộc khu tưới của công trình, tuy nhiên với thực trạng bồi lắng kênh dẫn và xuống cấp của kênh tưới nên không thể duy trì hoạt động.

Chi nhánh thủy lợi huyện Lắk thông tin thêm, để vận hành lại trạm bơm buôn Mă, năm 2012 UBND huyện Lắk đầu tư 9,4 tỷ đồng kiên cố hóa hệ thống kênh tưới hiện có để phục vụ nước tưới cho 150 ha lúa. Năm 2019, UBND huyện tiếp đầu tư hạng mục công trình cải tạo kênh dẫn và kè chắn chống sạt lở, bồi lấp thuộc công trình trạm bơm buôn Mă, với tổng kinh phí là 1,5 tỷ đồng. Năm 2021, UBND huyện đầu tư hạng mục công trình nâng cấp, kiên cố hóa kênh cánh đồng Bông Krang, xã Bông Krang (tuyến kênh nối tiếp với cụm chia nước trên kênh N2 – trạm bơm buôn Cuôr, xã Yang Tao), đoạn cuối giáp cánh đồng buôn Mă, tổng kinh phí là 8,58 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo xã Bông Krang, trên thực tế, hệ thống kênh dẫn này chủ yếu phục vụ nước tưới cho cánh đồng ở khu vực xã Yang Tao, còn khu vực xã Bông Krang ruộng đồng vẫn khô khát.

Dẫn nước vào ruộng bằng máy bơm dã chiến

Dù đang trong thời điểm mùa mưa nhưng do nguồn nước không đủ cho việc sản xuất lúa vụ hè thu, gia đình anh Y Tinh Knông (trú buôn Mă, xã Bông Krang) vẫn phải loay hoay tìm vị trí để đặt máy bơm dã chiến dẫn nước vào ruộng.

Anh Y Tinh cho hay, vụ hè thu năm nay gia đình anh gieo trồng hơn 1 ha lúa nước, dù ruộng cách trạm bơm buôn Mă không xa, nhưng công trình đã không hoạt động nhiều năm nên mùa nào gia đình anh cũng chật vật tìm nước tưới cho lúa. Do không chủ động được nước tưới nên năng suất, sản lượng lúa rất thấp, như vụ đông xuân vừa rồi, năng suất giảm từ 50 - 70%, thậm chí có đám ruộng mất trắng hoàn toàn.

Hệ thống kênh dẫn chính từ hồ Lắk vào cụm đầu mối trạm bơm buôn Mă, xã Bông Krang bị cây mai dương, cỏ dại phủ kín.

Chủ tịch UBND xã Bông Krang Y Khiên Dak Căt chia sẻ, Bông Krang là xã vùng 3 của huyện Lắk, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 30%, hộ cận nghèo 21%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã có hơn 1.900 hộ dân, với trên 8.000 nhân khẩu, trong đó có đến 89% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu từ việc trồng lúa nước, tiêu, cà phê và một số cây trồng ngắn ngày khác…

Toàn xã có hơn 700 ha đất trồng lúa nước hai vụ, khi công trình thủy lợi buôn Mă được xây dựng, bà con địa phương ai cũng phấn khởi và kỳ vọng. Tuy nhiên, công trình đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì “đắp chiếu”, người dân phải lấy nguồn nước ngầm các kênh mương, vũng sâu và sử dụng máy bơm dã chiến để dẫn nước vào ruộng. Địa phương mong muốn sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục lại trạm bơm buôn Mă nhằm phát huy hiệu quả sử dụng và tránh lãng phí nguồn ngân sách đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú cho biết, huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng của công trình kênh dẫn và trạm bơm buôn Mă. Đồng thời, báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc