Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giữ rừng ở huyện vùng sâu

08:40, 26/06/2024

Là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 52% diện tích, huyện Krông Bông đối mặt với không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông LÊ VĂN LONG, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông về nội dung này.

Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long.

* Xin ông cho biết thực trạng công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng trên địa bàn huyện trong thời gian qua?

Huyện Krông Bông có tổng diện tích tự nhiên trên 125.695 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 92.676 ha, diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 65.818 ha. Độ che phủ rừng đạt 54,71%.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng tại địa phương đã có những chuyển biến tích cực hơn so với trước.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan, ban, ngành, UBND cấp xã đặc biệt chú trọng, thay đổi bằng nhiều phương pháp, hình thức. Từ đó nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Công tác phối hợp giữa các lực lượng thuộc huyện và các huyện giáp ranh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể, đặc biệt là diện tích rừng trồng do người dân tự bỏ vốn. Tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật được ngăn chặn. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp.

* Với diện tích rừng lớn, chính quyền địa phương đã gặp những khó khăn gì trong công tác giữ rừng, thưa ông?

Là huyện vùng sâu, vùng xa, lại giáp ranh với nhiều huyện, tỉnh; dân số phần lớn là người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, dân di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống gần rừng, ven rừng; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu sống dựa vào rừng; nhu cầu sử dụng gỗ, lâm sản và đất sản xuất của người dân ngày càng lớn, do đó sức ép đối với công tác QLBVR ngày càng tăng.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cùng người dân tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Cư Pui.

Bên cạnh đó, lực lượng của xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên khó có thể thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về QLBVR. Trong khi đó, biên chế lực lượng Kiểm lâm huyện ít so với yêu cầu nhiệm vụ. Đơn vị chủ rừng có lúc, có nơi chưa chủ động bám rừng, bám dân, chưa làm tốt công tác phối kết hợp với chính quyền cấp xã, các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Mặt khác, huyện có diện tích rừng lớn, địa hình núi cao hiểm trở, dốc đứng, bị chia cắt mạnh, đường sá đi lại rất khó khăn nên khó kiểm soát hết địa bàn. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với lực lượng trực tiếp QLBVR còn hạn chế, dẫn đến nhiều cán bộ, nhân viên QLBVR của đơn vị chủ rừng xin nghỉ công tác, việc tuyển dụng nhân sự gặp khó khăn.

Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn một cách cụ thể.

* Thưa ông, đối mặt với những khó khăn trên, huyện đã đề ra những giải pháp trọng tâm nào nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững?

Nhằm tăng cường công tác QLBVR, huyện đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, UBND cấp xã, đơn vị có liên quan và các đơn vị chủ rừng triển khai xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa những mục tiêu nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng theo nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện hiệu quả các đề án, chỉ thị của Trung ương, tỉnh về tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây xanh và QLBVR.

Đồng thời huyện cũng đã đề ra các giải pháp nhằm tạo sự đột phá trong tổ chức, xây dựng và phát triển ngành lâm nghiệp của huyện. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ và phát triển rừng của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Huy động các nguồn lực để phát triển rừng, tạo ra những đột phá rõ nét cả về tăng diện tích, nâng cao giá trị rừng trồng.

Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất lâm nghiệp gắn với rừng của các tổ chức, cá nhân được giao đất, thuê đất và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về rừng và đất rừng. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm.

Hằng quý, huyện tham gia giao ban định kỳ đề nghị phối hợp trong công tác QLBVR giữa 5 huyện giáp ranh, bao gồm: huyện Ea Kar, huyện M'Drắk (tỉnh Đắk Lắk), huyện Đam Rông và Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) - các địa phương luân phiên tổ chức. Đồng thời, 6 tháng/lần thành lập tổ liên ngành để hỗ trợ lực lượng chuyên môn tuần tra kiểm soát rừng; chỉ đạo chủ tịch UBND các xã hằng tháng phân công công chức xã trực tiếp tham gia tuần tra rừng, đất rừng trong phạm vi quản lý và báo cáo kết quả, thiết lập hồ sơ để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện QLBVR của địa phương.

Để giảm áp lực cho rừng, huyện còn tăng cường công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất trên địa bàn…

* Trân trọng cảm ơn ông!

Khả Lê (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.