Multimedia Đọc Báo in

Phát triển lực lượng lao động trẻ chuyên nghiệp

08:32, 06/06/2024

Tỉnh Đắk Lắk đang có lực lượng lao động dồi dào với 1,2 triệu lao động, đáp ứng nhu cầu cho các ngành nghề trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

Thích ứng với thị trường lao động

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)), từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường lao động tiếp tục ghi nhận đà phục hồi, doanh nghiệp (DN) tuyển lao động với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê đã có 1.241 lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm, tăng 2,03 lần so với cùng kỳ năm 2023 (609 người), trong đó lao động phổ thông chiếm 58,28%.

Đơn cử tại Ngày hội việc làm năm 2024 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua có 13 đơn vị, DN tham gia với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh hơn 6.500 người, thu hút gần 600 lao động trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đến tìm hiểu, chủ yếu là đoàn viên thanh niên.

Người lao động TP. Buôn Ma Thuột đăng ký nhu cầu tìm việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2024.

Qua công tác tư vấn việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2024 có thể thấy, nhu cầu tìm việc của lao động trẻ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Với lợi thế sử dụng tốt công nghệ, có khả năng giao tiếp tiếng Anh, lao động trẻ của TP. Buôn Ma Thuột quan tâm đến các vị trí việc làm không gò bó thời gian, có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, đặc biệt là cơ hội gắn bó lâu dài và lộ trình thăng tiến của bản thân. Do vậy, trong quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng, lao động trẻ đã tìm hiểu kỹ DN và không e ngại ứng tuyển trái ngành nghề đã đào tạo.

Em Lương Thùy Linh (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) tốt nghiệp cử nhân ngành marketing Trường Đại học Hoa Sen giữa năm 2023 và hiện đang tiếp tục theo học văn bằng hai ngành Kế toán. Cuối năm 2023, Linh nộp hồ sơ xin việc vào một công ty nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh nhưng DN yêu cầu có kinh nghiệm ít nhất 2 năm nên Linh không trúng tuyển. “Em quyết định trở về TP. Buôn Ma Thuột tìm kiếm việc làm để lấy kinh nghiệm. Qua tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của một số DN tại Ngày hội việc làm năm 2024, em thấy có nhiều vị trí việc làm khá phù hợp, chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Em nghĩ mình sẽ chọn được một việc làm phù hợp, có thể gắn bó lâu dài”,  Linh cho biết.

Ở chiều ngược lại, các DN cũng đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, đồng thời đa dạng hoạt động cộng đồng để thu hút lao động. Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Cà phê Ngon (huyện Cư Kuin) Trần Bản cho biết, ngoài tìm hiểu về việc làm, mức lương, các chế độ đãi ngộ, hiện nay lao động trẻ tìm hiểu kỹ về cơ hội phát triển bản thân. Đây là điểm khác biệt và là tín hiệu đáng mừng khi người lao động hiểu rõ bản thân được hưởng quyền lợi từ DN, đồng nghĩa với mức độ đóng góp cho DN luôn đặt ở mức cao nhất. Vì vậy, trong chiến lược tuyển dụng lao động, công ty cũng đã xây dựng vị trí các việc làm để người lao động có động lực phấn đấu, nâng cao giá trị bản thân, gắn bó lâu dài, ổn định tại công ty.

Hướng đến đào tạo nguồn lực chất lượng cao

Theo ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, để đáp ứng được sự chuyển biến của thị trường lao động, bên cạnh việc phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiếp tục mở các phiên giao dịch, ngày hội tư vấn việc làm về nông thôn tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đơn vị đã tăng cường kết nối với các trường đại học, trường nghề, đặc biệt là không bỏ lỡ nguồn lao động tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để định hướng nghề nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tư vấn hướng nghiệp nghề cho học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp.

Hai năm gần đây, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ việc kết nối đào tạo, đầu ra của các trường nghề với DN. Trên cơ sở đó đã đào tạo lao động theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, để tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; qua đó tranh thủ thời cơ dân số vàng hiện nay hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao.

Cùng với đó phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; phát triển giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững… Đặc biệt, tỉnh tập trung xây dựng Trường Cao đẳng Đắk Lắk trở thành trường chất lượng cao, không chỉ đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực Tây Nguyên mà còn đào tạo lao động cho các nước như: Lào, Campuchia…

Theo đó, UBND tỉnh đã dành nhiều nguồn lực vật chất, quan tâm đầu tư, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh và hợp tác quốc tế để phát triển các ngành, nghề đào tạo đạt trình độ của khu vực ASEAN.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc