Multimedia Đọc Báo in

Cần “5 quyết tâm, 5 đảm bảo” để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

14:44, 16/07/2024

Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương gần 237 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 432 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.

Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đến ngày 30/6 ước giải ngân 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 1,1% (30,49%).

Cụ thể: có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước; có 33 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: baochinhphu.vn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó đúc kết những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành; tiếp tục duy trì các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án đến quá trình triển khai; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thanh toán ngay khi có khối lượng giải ngân; tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành, phân cấp phân quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời khen thưởng, kỷ luật và giải quyết khó khăn vướng mắc; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương với các chủ đầu tư…

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có “5 quyết tâm, 5 đảm bảo” để thúc đẩy giải ngân vốn. Trong đó, 5 quyết tâm gồm: giữ vững kỷ luật kỷ cương; giải phóng mặt bằng kịp tiến độ; tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ thực tiễn; đổi mới phương pháp, cách làm, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; bám sát thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, quy định, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.

5 đảm bảo gồm: chủ động nguyên, vật liệu và các điều kiện cần thiết cho dự án; nhân lực đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm; hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp trong công tác tái định cư; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đùn vốn, gây thất thoát vốn; chất lượng kỹ thuật, vệ sinh an toàn lao động.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.