Chắp cánh cho khởi nghiệp xanh
Những năm qua, khởi nghiệp xanh mang tính sáng tạo ngày càng được cộng đồng khởi nghiệp chú trọng. Tuy nhiên, để tạo động lực cho phụ nữ khởi nghiệp xanh, sáng tạo và bền vững, cần có sự vào cuộc, hỗ trợ, phối hợp từ nhiều phía.
♦ Bà Đặng Thị Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh: Phụ nữ cần vượt qua “vùng an toàn”
Trên thực tế, so với nam giới, phụ nữ vẫn còn những rào cản vô hình, nhiều hội viên phụ nữ ít được tiếp cận với khởi nghiệp, số doanh nghiệp do nữ làm chủ đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; hầu hết các mô hình khởi nghiệp đang ở giai đoạn manh nha, nhỏ lẻ; nhiều phụ nữ có năng lực nhưng chưa chủ động tìm hiểu chủ trương, chính sách, chưa mạnh dạn phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp.
Để bắt nhịp với khởi nghiệp, đặc biệt là xu thế khởi nghiệp xanh hiện nay đang hướng đến sử dụng nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm dễ tái chế, cung cấp các dịch vụ vận chuyển xanh, hoặc phát triển các công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua thách thức, tiếp cận nhanh chóng với chuyển đổi số, thương mại điện tử nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình khởi nghiệp, sáng tạo, mở ra không gian phát triển và khẳng định vị thế trong thế giới số.
♦ Chị Nguyễn Thị Ngọc Thắng, chủ cơ sở kinh doanh TONO (TP. Buôn Ma Thuột): Còn nhiều rào cản trong khởi nghiệp xanh
Bước ra từ cuộc thi khởi nghiệp, hiện tại chúng tôi đang làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khởi nghiệp xanh hiện là xu thế được nhiều người lựa chọn, các doanh nghiệp xanh dù mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và xã hội nhưng trên thực tế chúng tôi cũng đối mặt với một số rủi ro và thách thức, mà đầu tiên là chi phí ban đầu cho việc khởi nghiệp xanh cao hơn thông thường.
Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ tài chính, gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn tài trợ và vốn đầu tư do nhà đầu tư truyền thống chưa hiểu hoặc không quan tâm đến mô hình kinh doanh xanh cũng là một trở ngại lớn.
Ngoài ra, thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ xanh hiện tại chưa được ổn định và không đủ lớn để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp. Và người tiêu dùng cũng mất nhiều thời gian hơn để hiểu và làm quen với sản phẩm. Chính những điều này khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và tăng trưởng.
♦ Chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana: Cần thêm “sân chơi” cho phụ nữ khởi nghiệp
Chúng tôi luôn mong muốn có thêm nhiều sân chơi, cơ hội để kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác, cơ quan hữu quan cùng hỗ trợ, đồng hành với những dự án khởi nghiệp có khả năng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên bản địa.
Từ đó tạo ra những sản phẩm mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng, từng bước thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm sức khỏe, hạn chế ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hơn hết, những phụ nữ đang khởi nghiệp xanh cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cộng đồng nền tảng, hợp tác đa phương, hỗ trợ lẫn nhau, học hỏi nhau để cùng phát triển, giúp cộng đồng này ngày một phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Khánh Như (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc