Multimedia Đọc Báo in

Chờ ban hành giá đất, đường thi công dở dang

08:36, 30/07/2024

Sau khoảng nửa năm triển khai, công trình đường giao thông vào nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột tại xã Hòa Khánh đã tạm dừng thi công, khiến hoạt động sản xuất, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Dự án đường vào nghĩa trang thành phố tại xã Hòa Khánh được UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt tại Quyết định số 9867/QĐ-UBND, ngày 30/11/2022. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến gần 3,5 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 34,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 22,8 tỷ đồng, chi phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 7,8 tỷ đồng, còn lại các chi phí khác.

Khi được thông báo về chủ trương đầu tư tuyến đường, người dân trên địa bàn xã Hòa Khánh ai cũng phấn khởi vì sắp có đường mới để đi lại, phục vụ sản xuất. Vì vậy, khi chủ đầu tư vận động, chính quyền địa phương tổ chức họp lấy ý kiến, đa số người dân đều thống nhất nhường đất làm dự án.

Dự án đường vào nghĩa trang thành phố tại xã Hòa Khánh thi công được một đoạn rồi bỏ dở từ nhiều tháng nay.

Ông Trần Dũng, Trưởng thôn 4, xã Hòa Khánh, một trong những hộ dân có đất thuộc diện thu hồi để triển khai dự án chia sẻ, để làm tuyến đường này, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng diện tích đất sản xuất, trong khi công tác giải phóng mặt bằng cần thời gian nên trước mắt, ban tự quản vận động bà con tạm ứng kinh phí hỗ trợ cây trồng trên đất, rồi bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, khi nào hoàn tất thủ tục thì nhận tiền hỗ trợ sau. Hiểu và nhận thức rõ về tầm quan trọng khi tuyến đường được đầu tư, nhiều hộ dân trong thôn đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai dự án. Thế nhưng, công trình làm được một đoạn thì ngưng, mấy tháng nay không thấy máy móc, nhà thầu triển khai, cũng không thấy chủ đầu tư hay nhà thầu thông tin lại với ban tự quản thôn.

Việc thi công công trình dở dang khiến việc đi lại, sản xuất của người dân vùng dự án bị ảnh hưởng. Bà L.T.T.T. (thôn 4, xã Hòa Khánh) cho hay, nhà bà có đất sản xuất ngay vị trí tiếp giáp đoạn đường thi công dở dang. Năm ngoái, gia đình bà nhận thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện dự án, bà rất vui vì sắp có đường mới để đi lại. Thế nhưng, đoạn đường mới làm được từ điểm tiếp giáp với Tỉnh lộ 2 đến gần khu vực đất của gia đình thì ngưng thi công.

Theo thông báo số 103/TB-DA ngày 30/5/2023 của chủ đầu tư về việc khởi công dự án Đường vào nghĩa trang thành phố tại xã Hòa Khánh, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nào được phê duyệt dẫn đến công trình phải tạm dừng thi công. Hộ anh L.N.H. ở thôn 4 có đất sản xuất dọc tuyến đường vào nghĩa trang thành phố tại xã Hòa Khánh cũng rất bức xúc, bởi khi đến vận động thì chủ đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ đền bù sau. Gia đình anh đã vui vẻ chấp thuận nhường đất trước, chờ nhận tiền đền bù, hỗ trợ sau. Thế nhưng mấy tháng nay công trình bỗng tạm dừng thi công mà không thông báo để người dân biết. Tính từ thời điểm khởi công đến nay đã hơn một năm nhưng gia đình anh mới chỉ nhận được một phần kinh phí hỗ trợ cây trồng trên đất, chưa hề nhận được phương án đền bù, hỗ trợ cụ thể.

Một đoạn trên công trình đường vào nghĩa trang thành phố tại xã Hòa Khánh chưa được thi công, lầy lội vào mùa mưa.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột thông tin, triển khai dự án Đường vào nghĩa trang thành phố tại xã Hòa Khánh có 91 hộ dân bị ảnh hưởng, với 110 thửa đất, tổng diện tích thu hồi gần 27.000 m2. Hiện tại còn thiếu giá đất nên chưa thể phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trên cơ sở danh sách đề nghị xây dựng giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án, Phòng đã tiến hành các bước theo quy định. Hiện đã lập nhiệm vụ dự toán, đang chờ các thủ tục đấu thầu công khai trên mạng, thuê đơn vị tư vấn…, thời gian để thực hiện các bước thủ tục này khoảng 60 ngày làm việc.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.