Đừng để... giá cả "núp bóng" tăng theo
Điều mà những người hưởng lương lo ngại nhất là cứ mỗi lần lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên thì giá các loại hàng hóa, dịch vụ cũng đồng loạt tăng. Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì tăng lương liệu có thật sự tăng thêm nguồn thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động?
Lương chưa về, giá đã tăng
Khảo sát tại các chợ truyền thống, cửa hàng buôn bán thực phẩm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thì nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm tươi sống trên thị trường đã có giá mới.
Đơn cử như giá thịt heo đã tăng cả tháng qua, với mức tăng khoảng 10.000 đồng/kg và tăng 20 - 30% so với đầu năm. Tính đến thời điểm này, giá thịt heo có giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn đang duy trì ở mức cao. Tương tự, thịt gà công nghiệp có giá 68.000 – 70.000 đồng/kg (tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg so với trước). Giá trứng gia cầm lúc trước chỉ 25.000 – 28.000 đồng/chục thì nay tăng lên 32.000 – 35.000 đồng/chục.
Giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống biến động theo từng ngày. Ảnh: T.Mai |
Bên cạnh đó, giá các loại rau, củ, quả phổ biến cũng tăng theo từng ngày với nguyên nhân được giải thích là do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, mùa vụ thu hoạch nên khan hàng, sản lượng thấp. Ngoài ra, các mặt hàng thực phẩm công nghệ như sữa, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, mì tôm... cũng đã tăng từ 3 - 5%. Còn giá gạo cũng tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg tùy loại.
Ghi nhận ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… cơ bản giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn được giữ ổn định do đã chuẩn bị sẵn được nguồn hàng từ trước. Ngoài ra, một số đơn vị như Siêu thị Co.opmart, GO! Buôn Ma Thuột còn triển khai các đợt khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu mua sắm và hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng. |
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, nhân viên văn thư tại một trường học ở TP. Buôn Ma Thuột cho biết, với mức lương cơ sở mới là 2,34 triệu đồng nhân với hệ số lương và cộng một số khoản phụ cấp khác thì tổng thu nhập từ lương của chị là 8 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là lương mới chị chưa kịp nhận thì từ cuối tháng 6, giá cả hàng hóa, giá thực phẩm đã bắt đầu tăng từ mớ rau, quả trứng cho đến cân thịt. Tiền đi chợ mua thực phẩm cho gia đình đã tăng lên 30.000 – 50.000 đồng/ngày, chưa kể hàng hóa, dịch vụ khác. “Cứ tình trạng này, cuộc sống của những người làm công ăn lương vẫn sẽ gặp khó khăn bởi lương tăng thêm nhưng không đủ để bù đắp chi phí khi giá cả thị trường tăng theo”, chị Trang tâm tư.
Việc tăng giá "ăn theo" tăng lương cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những lao động tự do, không hưởng lương từ ngân sách. Anh Nguyễn Tiếng Toàn (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, hiện trung bình mỗi tháng thu nhập của anh từ việc sửa máy tính khoảng 8 triệu đồng. Với số tiền này chỉ đủ để anh trả tiền thuê trọ, điện, nước, chi tiêu hằng ngày của hai vợ chồng và đứa con nhỏ. Thế nhưng, khi hàng hóa tăng giá dẫn đến chi phí sinh hoạt của gia đình đội lên, cuộc sống của gia đình anh càng thêm chật vật vì không có khoản thu nhập tăng thêm nào để bù vào.
Kiểm soát chặt chẽ giá cả tiêu dùng
Nhằm bảo đảm ý nghĩa của chính sách tăng lương, bình ổn thị trường, cuối tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục…); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể.
Giá cả hàng hóa tại các siêu thị tại TP. Buôn Ma Thuột vẫn giữ ở mức bình ổn. Ảnh: T.Mai |
Cùng với việc kiểm soát giá cả, các bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng…; xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường. Đối với Bộ Tài chính, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể và triển khai các giải pháp cụ thể; bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường...
Theo các nhà kinh tế, thực tế hiện nay khó tránh được tình trạng tăng giá sau khi tăng lương. Tuy nhiên, các địa phương cũng chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động giải pháp không để xảy ra tình trạng đột biến về giá, đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhà ở, sản phẩm du lịch… Bên cạnh đó, việc tăng lương chỉ áp dụng trong khu vực công nên ít dẫn đến tình trạng lạm phát trong thời gian tới nếu các mặt hàng nhà nước định giá không tăng.
Thực tế, tuy có tăng giá ở các chợ truyền thống, nhưng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Đắk Lắk vẫn đang trong ngưỡng ổn định với mức 0,2% trong tháng 6/2024. Việc tăng giá chủ yếu do tâm lý "ăn theo" của một bộ phận tiểu thương. Người dân nên mua sắm qua hệ thống thương mại điện tử và mua sắm tại các đơn vị bán hàng lớn để hạn chế tình trạng “nói thách” như mua hàng ở chợ nhỏ hay thị trường trôi nổi.
Minh Chi – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc