Huyện Krông Bông: Giá heo hơi tăng, người chăn nuôi phấn khởi tái đàn
Thời gian gần đây, giá heo hơi liên tục tăng cao, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Krông Bông rất phấn khởi thực hiện tái đàn.
Gia đình ông Hỏa Văn Trưởng (tổ dân phố 1, thị trấn Krông Kmar) nuôi heo hơn 15 năm nay. Khu chuồng trại được ông xây dựng rộng 300 m2 nên có thể nuôi 250 con heo/lứa. Sau một năm “treo” chuồng vì dịch tả heo châu Phi, tháng 10/2023 ông đã đầu tư vốn mua 50 con heo giống (với giá 1,3 triệu đồng/con) để tái đàn. Đầu năm 2024, thấy giá heo hơi có xu hướng tăng, trong khi giá cám lại giảm nên ông mạnh dạn mua thêm 200 con heo để mở rộng quy mô đàn.
Ông Hỏa Văn Trưởng (tổ dân phố 1, thị trấn Krông Kmar) phấn khởi vì giá heo hơi tăng. |
Để bảo đảm đàn heo sinh trưởng tốt và ngăn chặn các loại dịch bệnh, ông đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp trong quy trình chăn nuôi từ khâu lựa chọn giống, tiêm phòng vắc xin, chú trọng vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn môi trường, cũng như kiểm soát người, phương tiện ra vào trang trại.
Theo ông Trưởng, giá heo hơi giữ được đà tăng trong mấy tháng qua đã giúp những người chăn nuôi thoát khỏi cảnh thua lỗ, thậm chí còn thu lãi lớn. Như đầu tháng 6 vừa qua, ông đã xuất bán lứa heo đầu tiên, với tổng trọng lượng 5,5 tấn heo thịt. Với giá bán 69.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 150 triệu đồng.
“Hiện trang trại của tôi có 60 con heo thịt, đạt trọng lượng hơn 100 kg/con đang chờ xuất bán trong mấy ngày tới. Thời điểm này, giá heo có hạ nhiệt hơn, dao động quanh mức 63.000 - 64.000 đồng/kg, tuy nhiên so với thời điểm cuối năm ngoái thì vẫn cao hơn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, tôi vẫn thu lợi nhuận từ 1,7 - 2 triệu đồng/con”, ông Trưởng nhẩm tính.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Lan (thôn 9, xã Hòa Sơn) cũng rất phấn khởi vì giá heo hơi tăng. Được biết, bà vừa xuất bán lứa heo 5 con, với giá 61.000 đồng/kg. Nhờ xuất chuồng đàn heo với giá cao đã giúp bà có thêm nguồn vốn để mở rộng đàn. Theo bà Lan tính toán, chi phí đầu tư cho mỗi con heo đến khi đạt trọng lượng hơn 100 kg (thời gian nuôi 4 tháng) hết tầm 4 triệu đồng. Với giá bán này, bà thu lãi 2 triệu đồng/con, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Nhận thấy tái đàn đạt hiệu quả, bà Lan đã phát triển thêm số lượng heo nái của gia đình nhằm chủ động nguồn con giống nuôi quanh năm. Hiện trong chuồng của gia đình bà đang có 6 con heo nái và 20 con heo thịt, trong đó có khoảng 15 con heo thịt có thể xuất bán trong một tháng tới. “Hy vọng trong thời gian tới, heo hơi tiếp tục giữ được mức giá tốt như hiện nay để người dân có lợi nhuận bù cho giai đoạn khó khăn vừa qua cũng như yên tâm đầu tư chăn nuôi”, bà Lan chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Lan (thôn 9, xã Hòa Sơn) chăm sóc đàn heo của gia đình. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, năm trước do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cộng với giá heo hơi giảm nên nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương đã giảm đàn, thậm chí là dừng nuôi. Hiện nay, giá bán heo hơi đang trên đà tăng, trong khi thức ăn chăn nuôi có nhiều đợt giảm giá đã tạo động lực cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện từng bước tái đàn. Đặc biệt, thời điểm này nhiều trang trại, hộ chăn nuôi cũng đang tích cực tăng đàn nhằm chuẩn bị nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán 2025. Hiện tổng đàn heo của toàn huyện là 28.400 con, tăng gần 2.200 con so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 1 cơ sở chăn nuôi quy mô 200 con heo nái, 55 cơ sở nuôi heo thịt với quy mô từ 100 - 200 con, còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ).
Tuy nhiên, ông Võ Tấn Trực, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cũng khuyến cáo, để việc chăn nuôi phát triển ổn định và bảo đảm được lợi ích kinh tế, người chăn nuôi nên cẩn trọng tính toán trong việc tái đàn, tăng đàn, chỉ nên tái đàn ở quy mô chuồng trại sẵn có chứ không nên mở rộng ồ ạt. Đồng thời, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên đàn heo để tránh rủi ro kép về dịch bệnh và giá cả.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc