Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Giao thông “mở lối” để thoát nghèo

07:40, 31/07/2024

Việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện M'Drắk được kỳ vọng góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thương và “mở lối” để địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững.

Những ngày này, không khí làm việc tại công trường của dự án Cầu buôn M’Bhao thuộc tuyến đường giao thông từ thị trấn M’Drắk đi xã Cư M’ta và xã Ea Riêng đang diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Ngọc Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện M’Drắk cho biết: Trước đây, mỗi khi vào mùa mưa lũ, khu vực này thường xuyên bị ngập khiến việc đi lại, giao thương của người dân gặp nhiều khó khăn.

Đầu năm 2024, dự án này được UBND huyện M’Drắk giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Qua 7 tháng triển khai, đến nay công trình đã sắp hoàn thành, phấn đấu đến tháng 9/2024 sẽ hoàn thiện dự án, đưa vào sử dụng.

Công nhân thi công xây dựng dự án Cầu buôn M’Bhao.

Dự án Cầu buôn M’Bhao là một trong mười dự án thuộc Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững (kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 và 2023) trên địa bàn huyện với tổng mức đầu tư hơn 322 tỷ đồng, trong đó có tới 9 dự án là xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông. Đến nay đã có 4 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng; đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành thêm 4 công trình; còn 2 công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2025.

 

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện M’Drắk đề ra các mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4 - 5%/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 6 - 7%/năm; đến năm 2025, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến năm 2025 phấn đấu đạt từ 40 - 45 triệu đồng/năm...

Tương tự, từ năm 2018 đến nay, từ các nguồn vốn khác nhau, xã Ea Lai đã được bố trí hơn 60 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông. Trong kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 và 2023, xã Ea Lai có 2 dự án đường giao thông liên xã đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng. Những con đường liên xã, liên thôn, buôn được hình thành đã giúp “mạch máu” kinh tế được thông suốt; diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Người nông dân vô cùng phấn khởi khi nông sản làm ra được thu mua, vận chuyển thuận lợi, việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục... cũng tốt hơn giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Phấn khởi trước sự đổi thay của buôn làng, ông Y Gió Byă (buôn Cư Prao, xã Ea Lai) cho biết: “Trước kia, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa các tuyến đường lầy lội, khó lưu thông nên kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân ít chuyển biến. Nhờ được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của cấp trên, các tuyến đường liên xã, liên thôn, buôn được đầu tư bê tông hóa, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp bà con lưu thông nông sản, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống”.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn 3, xã Ea Lai) chia sẻ: Những năm trước đây, hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư, kết nối nên nông sản làm ra luôn bị thương lái ép giá vì chi phí thu mua, vận chuyển tăng cao; thậm chí có những vụ mùa làm ra nông sản nhưng không thể đem bán do khó khăn trong vận chuyển. Từ năm 2019 đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư mạnh, nhất là nối xã đến trung tâm huyện và đến các tỉnh khác đã giúp sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân được thuận lợi. Thương lái vào tận rẫy để thu mua hoặc người dân có thể vận chuyển nông sản đến các điểm thuận lợi để giao dịch.

Hệ thống đường giao thông ở xã Ea Lai ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế.

Theo ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk, địa phương đã rất quyết liệt trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững với mục tiêu phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn để chính sách thật sự đi vào cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, từ nguồn vốn của chương trình đã giúp hệ thống giao thông của huyện dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường kết nối từ các vùng sâu, vùng xa, các thôn, buôn khó khăn đến trung tâm huyện và liên kết với các tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên…

Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.