Multimedia Đọc Báo in

Khi "cá mập"... "sặc"

10:02, 29/07/2024

Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế về kêu gọi vốn đầu tư khởi nghiệp đã có mặt tại 51 quốc gia trên toàn cầu.

Đến Việt Nam từ năm 2017, Shark Tank Việt Nam có tên gọi "Thương vụ bạc tỷ", với sứ mệnh là bệ phóng khởi nghiệp, kết nối các ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư và là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp...

Một trong những mục đích quan trọng của Shark Tank Việt Nam là truyền cảm hứng cho người chơi – những start-up thực hiện các bài thuyết trình về những sản phẩm của họ trước một hội đồng các nhà đầu tư, thuyết phục các “cá mập” quyết định đầu tư vào dự án kinh doanh của mình.

Do đó, các start-up và cả khán giả theo dõi chương trình không chỉ kỳ vọng vào việc gọi vốn thành công mà còn mong muốn được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện khởi nghiệp thành công của các nhà đầu tư. Và trên thực tế, không ít “cá mập” đã được ngưỡng mộ bởi không chỉ sự thành công của họ mà đến từ việc họ tạo nên cảm hứng cho các start-up và khán giả theo dõi chương trình.

Ảnh minh họa
 Shark Tank Việt Nam mùa 7 đã khởi động trở lại với nhiều gương mặt doanh nhân nổi tiếng. Ảnh: VTV

Còn nhớ câu nói của ông Hoàng Khải – tức Shark Khải (Chủ tịch Tập đoàn KhaiSilk), một trong những nhà đầu tư khách mời của Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên: "Hãy bắt đầu việc nhỏ nhất như rửa bát, với một niềm đam mê lớn lao".

Hay như ông Nguyễn Ngọc Thủy - tức Shark Thủy (Chủ tịch Công ty Giáo dục EGroup) từng có những phát ngôn ấn tượng như: "Anh thích lao vào, khi người khác bỏ đi", "Nếu có thể, nên giỏi cả việc học và việc kinh doanh", "Phải có chất điên điên thì mới làm được điều gì đó, hy vọng một điều gì đó"...

Còn ông Phạm Văn Tam - Shark Tam (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo) từng tạo cảm hứng cho các start-up khi nói: “Nếu muốn làm chủ, hãy bắt đầu bằng một kế hoạch "làm thuê" cụ thể” hay “Nghĩ lớn, khởi đầu giản dị”…

Không thể phủ nhận hiệu ứng xã hội mà chương trình này mang lại, khi mà trên thực tế giữa một rừng gameshow giải trí, "Thương vụ bạc tỷ” đã trở thành chương trình truyền hình được hàng nghìn bạn trẻ háo hức đón xem mỗi thứ bảy hằng tuần. Những câu nói cực kỳ "thấm" của các “shark” đã truyền cảm hứng và động lực lớn cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp.

Theo công bố của Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam, qua 6 mùa phát sóng, có 39 triệu khán giả đã tiếp cận chương trình qua VTV3 và hàng chục triệu người dùng trên các nền tảng số. Không ít trong số đó là những người trẻ muốn khởi nghiệp và xem các “shark” như “thần tượng” của mình, bởi “ánh hào quang” thành công của các “shark” này. Hơn thế nữa là nguồn cảm hứng được các “shark” mang lại rất phù hợp với tinh thần khởi nghiệp mà giới trẻ đang tìm kiếm.

Thế nhưng không phải lúc nào "Thương vụ bạc tỷ" cũng mang lại hiệu ứng tích cực, nhất là khi các “shark”, các “thần tượng” của giới trẻ bộc lộ “mặt trái” của mình. Bên cạnh những doanh nhân thành đạt, làm ăn chân chính, trở thành tấm gương sáng cho các start-up, những bạn trẻ có khao khát khởi nghiệp thì cũng có không ít “shark” lại là “tấm gương xấu”.

Chính các “shark” kể trên là những ví dụ điển hình. Shark Khải bị phát hiện gian lận, nhập khẩu lụa từ Trung Quốc nhưng lại dán nhãn "Made in Vietnam". Shark Thủy bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các hợp đồng tiền gửi đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục EGroup và các hệ sinh thái liên quan. Và mới đây nhất là Shark Tam đã bị khởi tố về tội trốn thuế. Trước đó, khi vừa ghi hình xong mùa 3 của Shark Tank Việt Nam, Tập đoàn Asanzo của Shark Tam đã bị nghi ngờ về việc sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo thực chất là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam...

Giữa tháng 7 vừa qua, Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ tiếp tục quay trở lại mùa 7. Hy vọng rằng, các doanh nhân khách mời sẽ xứng đáng là nơi để các start-up và giới trẻ Việt Nam đặt niềm tin và là “bệ phóng” cho những ý tưởng kinh doanh độc đáo trở thành hiện thực như ý nghĩa mà chương trình này hướng đến.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.