Multimedia Đọc Báo in

“Kịch bản” ứng xử và phát triển cà phê Đắk Lắk

09:13, 29/07/2024

Trước bối cảnh cà phê toàn cầu đang “nóng” lên, Đắk Lắk cũng đã có “kịch bản” ứng xử và phát triển ngành hàng chiến lược này.

Chủ trương và chỉ đạo chung của UBND tỉnh là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả, không bảo đảm nguồn nước sang các loại cây trồng khác; tiếp tục thực hiện kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 đúng theo tiến độ, nhằm cải tạo dần diện tích cà phê già cỗi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Đặc biệt là phát triển sản xuất cà phê đặc sản nhằm khai thác thêm phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước. Trên cơ sở định hướng phát triển ấy, ngành cà phê Đắk Lắk tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sản xuất cà phê bền vững; xây dựng phần mềm quản lý và đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai kế hoạch, kiểm tra giám sát quy trình sản xuất cà phê bền vững; lập bản đồ số lý lịch vườn cây, cập nhật cơ sở dữ liệu hằng năm về tình hình tái canh và cải tạo giống.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu (chế biến tinh) tại Việt Nam đầu tư vào đây.

Đồng thời tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí trong việc đăng ký bảo hộ mở rộng sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lí Buôn Ma Thuột; tiếp tục thực hiện công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như: HAPCCP, ISO 22000… trong chế biến để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm đối với cà phê xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa.

Có như vậy mới tạo ra vùng nguyên liệu hội đủ các tiêu chuẩn chất lượng mà phía đối tác yêu cầu - và lúc đó chắc chắn ngành hàng cà phê ở “thủ phủ” này sẽ nâng cao được giá trị và thị trường tiêu thụ ngày càng được rộng mở, ổn định hơn.

Yêu cầu tăng trưởng xanh trong ngành hàng cà phê đòi hỏi người sản xuất quan tâm đầu tư có chiều sâu hơn cho vườn cà phê.

Trước bối cảnh cà phê toàn cầu đang “nóng” lên, Đắk Lắk cũng đã có “kịch bản” ứng xử và phát triển ngành hàng chiến lược này. Đó là, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành các chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh và tập trung; hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cà phê không phù hợp, kém hiệu quả, thiếu nguồn nước tưới; nỗ lực thực hiện công tác chuyển đổi số cho lĩnh vực trồng trọt, trong đó ưu tiên cho cây cà phê.

Xa hơn và cũng là bước đi quan trọng là tỉnh đã đề xuất Bộ Công Thương hằng năm hỗ trợ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia cho Đắk Lắk để đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê, nhất là sản phẩm cà phê có chỉ dẫn địa lí Buôn Ma Thuột ra thị trường thế giới.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên giải ngân cũng như có chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cũng tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột trong việc bảo hộ và phát triển thương hiệu, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam...

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.