Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách theo Quyết định 22
Đắk Lắk là địa phương đứng thứ năm cả nước trong thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22).
Mở “cánh cửa tương lai" cho người hoàn lương
Huyện Krông Bông là địa phương đứng đầu toàn tỉnh trong thực hiện cho vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đến đầu tháng 7/2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Krông Bông đã giải ngân hơn 2,2 tỷ đồng cho 30 đối tượng vay. Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Bông đánh giá, nguồn vốn đã dần phát huy hiệu quả, mở ra "cánh cửa" giúp bà con vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời.
Năm 2023, sau khi chấp hành xong án phạt tù, bà Lê Thị Hồng Loan (tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) trở về địa phương với nỗi lo ngại, tự ti, mặc cảm xã hội. Tuy nhiên, nhờ cán bộ địa phương, Ngân hàng CSXH huyện và lực lượng công an trên địa bàn quan tâm, tư vấn vay vốn phát triển kinh tế, bà đã được vay 100 triệu đồng theo Quyết định 22.
Từ nguồn vốn này, bà bỏ ra chi phí mua phân bón, hệ thống tưới nước để chăm sóc vườn sầu riêng hơn 2 ha, với 400 cây sầu riêng Dona. Dự kiến năm nay, vườn sầu riêng của gia đình bà cho thu bói được 4 - 5 tạ, bán với giá khoảng 60 nghìn đồng/kg.
Bà Loan tâm sự: "Nhờ nguồn vốn vay này, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương mà tôi đã vượt qua mặc cảm để tự tin phát triển kinh tế, tái hòa nhập với cộng đồng”.
Vườn sầu riêng của gia đình bà Lê Thị Hồng Loan (tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) được chăm sóc, phát triển từ nguồn vốn vay theo Quyết định 22. |
Còn với anh Cù Ngọc Út (buôn Dơng Yang, xã Yang Tao, huyện Lắk) do đi buôn bán gỗ lậu nên bị phạt tù 10 tháng. Nhờ cải tạo tốt nên anh được giảm án 2 tháng, đến tháng 4/2023 thì quay về địa phương.
Vốn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh rất lo sợ không biết bắt đầu lại từ đâu. Được chính quyền địa phương, cán bộ Ngân hàng CSXH và Công an huyện Lắk đến động viên, hỗ trợ anh vay được 100 triệu đồng theo Quyết định 22 vào cuối năm 2023.
Từ nguồn vốn vay này, anh đã đầu tư chăm sóc hơn 1.000 cây cà phê của gia đình. Năm nay, cà phê của gia đình anh cho thu bói, dự kiến đạt sản lượng hơn 2 tấn. Anh bày tỏ: “Tôi rất biết ơn chính sách đầy nhân văn của Nhà nước đã giúp tôi có được nguồn vốn kịp thời, tạo sinh kế ổn định cho hiện tại và tương lai”.
Hiệu quả từ sự nỗ lực phối hợp
Sau gần một năm triển khai Quyết định 22, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk đã giải ngân cho 223 người chấp hành xong án phạt tù, với tổng dư nợ trên 18,6 tỷ đồng.
Theo đại diện Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk, đây là “quả ngọt” của sự nỗ lực phối hợp giữa các đơn vị, chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Theo đó, sau khi Quyết định 22 được ban hành, chi nhánh đã phối hợp với Công an tỉnh ký kết chương trình phối hợp về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2024 - 2028.
Để triển khai nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, Công an tỉnh chỉ đạo định kỳ trong thời hạn 5 ngày đầu tiên của mỗi tháng, công an cấp xã tiến hành rà soát người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương để lập danh sách đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu, chuyển cho Ngân hàng CSXH làm căn cứ cho vay. Cơ quan thi hành án hình sự đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH theo dõi, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Trong quá trình triển khai, công an các cấp đã chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho Ngân hàng CSXH để giải quyết, xử lý những đối tượng vay có khả năng thất thoát vốn vay, không trả được nợ. Công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra, đánh giá và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, kịp thời giải quyết để nguồn vốn phát huy hiệu quả.
Đoàn công tác của Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Lắk. |
Ngoài ra, chính quyền các xã còn thực hiện theo đúng những quy định và hướng dẫn của công an và Ngân hàng CSXH các cấp trong việc bình xét công khai, dân chủ về đối tượng được thụ hưởng, số tiền và thời hạn cho vay. Trong quá trình bình xét luôn có sự chứng kiến của trưởng thôn, bí thư chi bộ, đại diện các hội, đoàn thể và người dân để bảo đảm tính công khai, dân chủ.
Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ nên việc triển khai Quyết định 22 đã mang lại hiệu quả tích cực.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người chấp hành xong án phạt tù; nhân rộng các mô hình vay vốn điển hình; thực hiện sơ kết, tổng kết để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt…
\Tuy nhiên khó khăn hiện nay là nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách nói chung, cho vay theo Quyết định 22 nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, UBND tỉnh, chính quyền địa phương các huyện cần tiếp tục quan tâm, cân đối bố trí ngân sách để ủy thác cho vay đến các đối tượng nhanh chóng, kịp thời.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc