Phát triển vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng và thách thức (kỳ 3)
Kỳ cuối: Để vật liệu xây dựng xanh “cất cánh”
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 6,5 – 7% vào GDP của Việt Nam. Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển mạnh ngành VLXD, từ đó tạo tiền đề thúc đẩy VLXD xanh "cất cánh" là nhiệm vụ đang được nhiều địa phương chú trọng.
Từ cơ chế, chính sách...
Nhằm tạo tiền đề phát triển cho ngành VLXD Việt Nam và ứng dụng vật liệu xanh thông minh, thân thiện môi trường, Nhà nước đã có nhiều chính sách để thúc đẩy. Đơn cử như Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, giao các nội dung công việc cụ thể cho từng bộ, ngành.
Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 và Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển các loại VLXD mới thân thiện môi trường. Chính phủ còn ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, hồ sơ, trình tự, thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam).
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chương trình Nhãn xanh Việt Nam và quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại nhiều lò gạch truyền thống. (Trong ảnh: Một lò gạch truyền thống còn hoạt động trên địa bàn huyện Krông Ana). |
Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp sản xuất VLXD, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên liên quan tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26).
Theo đó, khai thác và sản xuất VLXD là một trong ba lĩnh vực chủ yếu của ngành xây dựng có tiềm năng, lợi thế đóng góp vào kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu giai đoạn đến năm 2030 của ngành xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2 tương đương. Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã thực hiện các nghiên cứu sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Hiện nay, viện này cũng đang thực hiện nghiên cứu các sản phẩm VLXD chủ yếu.
Năm 2025 đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40%; vào năm 2030 là 45 - 50% trong tổng số vật liệu xây. Giai đoạn 2021 - 2030 có hơn 50% nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung ứng dụng tự động hóa trong dây chuyền sản xuất; đến năm 2030 sản lượng cát nhân tạo chiếm 30%, đến năm 2050 chiếm 40 - 50% tổng sản lượng cát trên địa bàn tỉnh… (Chiến lược phát triển VLXD tỉnh Đắk Lắk đến giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050) |
Thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển VLXD nói chung và VLXD xanh nói riêng, tỉnh Đắk Lắk đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Chiến lược phát triển VLXD tỉnh Đắk Lắk đến giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 (Chiến lược).
Theo đó, Sở Xây dựng đã tiến hành công bố Chiến lược trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị phổ biến, giới thiệu Chiến lược để các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư và khai thác. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, để có thể hiện thực “xanh hóa” trong lĩnh vực VLXD, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho các doanh nghiệp (DN) có căn cứ áp dụng trong quá trình sản xuất.
Song song với đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần hoàn thiện và có cơ chế, chính sách cụ thể, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng VLXD xanh.
Đến sự chung tay của người dân và doanh nghiệp
Có thể nói, cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, quá trình phát triển VLXD xanh không thể thiếu sự đóng góp tích cực của cộng đồng DN và người dân.
Vì vậy, để khuyến khích người dân, DN trên địa bàn tỉnh sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển ngành xây dựng theo hướng xanh, bền vững, Sở Xây dựng cho biết, trong thời gian tới sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan đến chương trình phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện về chính sách ưu đãi vốn, mặt bằng và có các chính sách hỗ trợ đầu tư cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc vận động các DN nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế; giảm tiêu hao năng lượng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm VLXD; đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN đầu tư sản xuất VLXD công nghệ cao, đặc biệt là VLXD từ phế thải công nghiệp và sinh hoạt...
Vật liệu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh được khai thác từ các sông. |
Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các loại VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng, PGS.TS. Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ VLXD, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng, ngành chức năng nên xem xét việc tăng thuế môi trường đối với các hoạt động sản xuất và sử dụng các loại VLXD gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất và ứng dụng các loại VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, sản xuất, thiết kế, thi công công trình sử dụng VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng.
Mặt khác, các DN cũng cần tìm ra giải pháp giảm giá thành hơn nữa đối với VLXD xanh nhằm cạnh tranh tốt với các loại vật liệu truyền thống có tính năng tương tự. Đặc biệt, DN cần áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số là yếu tố không thể coi nhẹ.
Còn theo ý kiến của nhiều chuyên gia, DN, Chính phủ cần phải có chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành về sản xuất, khai thác, sử dụng VLXD xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về VLXD xanh, công trình xanh và lợi ích mang đến cho chủ đầu tư và người sử dụng nói riêng, toàn xã hội nói chung. Từ đó, từng bước thay đổi thói quen trong việc sử dụng VLXD...
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc