Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

11:24, 26/07/2024

Ngày 24/7, UBND tỉnh có Chỉ thị số 12 /CT-UBND về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường. 

Tại Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 6/7, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 18 hộ, 14 thôn, 9 xã của 7 huyện (Krông Năng, Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar và Cư Kuin) làm chết và tiêu hủy 195 con, với tổng khối lượng 6.687 kg. 

Cán bộ thú ý cơ sở phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi của các hộ dân trên địa bàn xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ thú ý cơ sở phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi của các hộ dân trên địa bàn xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Để phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyên lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn, đàn lợn trong diện tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tiêm phòng tại địa phương. Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý… 

Yêu cầu Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương.

Bên cạnh đó, tham mưu triển khai xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trong chăn nuôi lợn; rà soát, tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025; phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để mua vắc-xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Yêu cầu thủ trưởng các Sở: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nội dung của chỉ thị này; kết quả thực hiện báo cáo về Sở NN-PTNT để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp quản lý, chỉ đạo kịp thời. 

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.