Multimedia Đọc Báo in

Xác thực sinh trắc học tài khoản ngân hàng: Người dân và ngân hàng cùng hưởng ứng

08:19, 08/07/2024

Từ ngày 1/7/2024, khách hàng cá nhân khi phát sinh giao dịch hơn 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày hơn 20 triệu đồng sẽ phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt).

Những ngày đầu áp dụng quy định này, việc thực hiện xác thực sinh trắc học của khách hàng vẫn chưa thông suốt.

Khách hàng chủ động, ngân hàng hỗ trợ

Để thuận lợi cho khách hàng trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác xác thực sinh trắc học.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng thông báo, hướng dẫn người dân thao tác xác thực sinh trắc học.

Cụ thể, người dùng có thể xác thực thông tin bằng điện thoại qua ba bước: chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; quét chip trên CCCD bằng kết nối không dây trong tầm ngắn điện thoại (NFC); quét khuôn mặt và xác thực.

Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật sinh trắc học, nhiều người dân gặp khó khăn trong thao tác thực hiện; một số người vẫn loay hoay khi quét chip CCCD qua NFC điện thoại hay khi quét khuôn mặt, khiến xác thực sinh trắc học không thể thành công.

Chị Tr.M.A. (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, công việc của chị thường xuyên phải chuyển tiền nên từ ngày 1/7, chị tiến hành xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng số Vietinbank iPay bằng điện thoại.

Ban đầu, khi quét chip của CCCD thì bị báo lỗi. Loay hoay một thời gian mới hoàn thành. Nhưng đến bước cập nhật thông tin cá nhân thì được thông báo "Quý khách vui lòng sử dụng giấy tờ tùy thân mới nhất để đăng ký thông tin cá nhân". Làm nhiều lần không thành công, chị phải ra điểm giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ.

Những ngày đầu tháng 7/2024, nhiều người dân đến các điểm giao dịch ngân hàng để cập nhật sinh trắc học.

Ngoài những khó khăn trong khâu kết nối chip CCCD với NFC trên điện thoại, một số người dùng khác cho rằng, ứng dụng ngân hàng thông báo lỗi ở bước quét khuôn mặt. Nguyên nhân là ảnh trên CCCD của người dùng khác chút ít so với thực tế do thay đổi kiểu tóc, gầy hoặc mập hơn…

Còn với anh Ng.V.H. (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) rất ủng hộ quy định của ngân hàng về việc xác thực sinh trắc học nhằm mục đích bảo vệ cho khách hàng. Tuy nhiên, do anh ít phải chuyển khoản số tiền lớn nên sẽ chờ một thời gian nữa mới đến ngân hàng cập nhật thủ tục này.

Theo các ngân hàng, trong vài ngày đầu tháng 7, cùng thời điểm mà có quá nhiều người thực hiện việc đăng nhập vào tài khoản nên xảy ra hiện tượng nghẽn mạng, khiến một số khách hàng không thực hiện xác thực sinh trắc học thành công. Hiện tình trạng này đã được cải thiện, người dân thực hiện trơn tru hơn trên ứng dụng. Bên cạnh đó, theo ghi nhận tại các điểm giao dịch ngân hàng những ngày gần đây, nhiều khách hàng đến để tiến hành xác thực sinh trắc học. Đây đa phần là những người lớn tuổi, sử dụng thiết bị không tương thích hoặc không thể tự thực hiện xác thực sinh trắc học trên ứng dụng. Các ngân hàng đã bố trí nhân viên và thiết bị để phục vụ. Khách hàng chỉ cần trình CCCD gắn chip hoặc căn cước là được hỗ trợ thực hiện một cách khá nhanh chóng.

Cảnh báo lừa đảo

Xác thực sinh trắc học hướng đến bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thực hiện xác thực sinh trắc học, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, kẻ gian gọi điện tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD để hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Trước tình trạng này, các ngân hàng mới đây đã có khuyến cáo người dân cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo mới.

Hai khách hàng lớn tuổi được nhân viên Phòng giao dịch Vietcombank Ea Kar hỗ trợ xác thực thông tin.

Theo Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), cách thức lừa đảo được các đối tượng thực hiện đó là liên hệ với khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng. Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Đồng thời, đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ xác thực sinh trắc học trên điện thoại. Sau đó, kẻ xấu yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh CCCD, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ.

Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào những mục đích xấu khác.

Agribank đã gửi tin nhắn đến khách hàng đề nghị tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Agribank không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn xác thực sinh trắc học.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khẳng định, ngân hàng này không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook Messenger…). Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng lưu ý khách hàng, để hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc