Multimedia Đọc Báo in

Đưa trí tuệ nhân tạo vào... ruộng?

10:10, 02/08/2024

Công nghệ phát triển vũ bão đang tác động liên tục đến mọi ngành nghề cuộc sống và nông nghiệp cũng không phải ngoại lệ. Những nhà khoa học ứng dụng khó tính nhất giờ đây cũng phải thừa nhận sự hiện diện các ứng dụng công nghệ tiến bộ ngày một nhiều hơn trong sản xuất canh tác cây trồng.

Vấn đề được đặt ra là liệu những người nông dân sẽ hưởng ứng sự thay đổi thói quen nuôi trồng của họ ra sao, nhất là với những vùng chuyên canh đặc biệt như ở Đắk Lắk – Tây Nguyên?

Không cập nhật sẽ thất bại

Cảnh báo này được bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green đưa ra, về yêu cầu phải đổi mới, tiến bộ trong quy trình canh tác chăm trồng của người nông dân hiện nay. Bà Thanh nhấn mạnh, hơn 3 năm qua, doanh nghiệp bà đã phải thay đổi nhiều để xây dựng lộ trình đầu tư, liên kết các vùng nông nghiệp nguyên liệu, chế biến xuất khẩu. Theo đó, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới trong hướng dẫn canh tác của người nông dân, đổi mới quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… các loại nông sản giữ vị trí quan trọng, nếu “không cập nhật sẽ thất bại”.

Đơn cử về quy trình canh tác, Công ty Ban Mê Green đã phối hợp với đối tác triển khai ứng dụng công nghệ hướng dẫn cho nông dân các vùng liên kết vùng canh tác, nguyên liệu kỹ năng cập nhật lịch trình canh tác trên phần mềm điện thoại di động. Chỉ một động thái thay đổi nhỏ này thôi, doanh nghiệp đã giúp người nông dân thay đổi hẳn tập quán làm việc tùy ý, chấp nhận ghi lại những nhật ký canh tác rõ ràng, chính xác, từ đó theo dõi tốt quy trình chăm trồng, thu hoạch. Kết quả vụ mùa sau đó đã phản ảnh chính xác những tiêu chí chất lượng mà quy trình canh tác đúng, hiệu quả cho phép mang lại, là cơ sở quan trọng thay đổi suy nghĩ của người nông dân, giúp họ tăng cường hợp tác hơn.

Số hóa canh tác từ ứng dụng mã vạch, theo dõi quy trình chăm sóc cây trồng ở Công ty Cổ phần Ban Mê Green.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tâm tư, nếu các vùng canh tác chuyên canh như sầu riêng, cà phê… đều được áp dụng những công nghệ quản lý, giám sát quy trình chặt chẽ, chất lượng thu hoạch sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Đây là lý do để thời gian qua, ngành nông nghiệp Đắk Lắk và các cấp quản lý, nhà khoa học vận động xây dựng các mã vùng nông sản tại địa phương, xây dựng hẳn chương trình gắn mã định danh cho từng cây sầu riêng để bảo đảm các giá trị sản xuất từ truy xuất nguồn gốc. Ông Côn cho biết, trong thời gian tới sẽ cố gắng vận động, kết nối nhiều tổ chức công nghệ hơn nữa, tốt nhất là tìm hiểu cách đưa các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp.

Theo ông Côn, ít nhất với trí tuệ nhân tạo (AI), ngành nông nghiệp Đắk Lắk sẽ có những thay đổi quan trọng giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản, từ đó thúc đẩy rộng hơn cánh cửa xuất khẩu và bán hàng cho người tiêu dùng.

Chuyển đổi mạnh mẽ bởi ứng dụng AI?

Thứ nhất, việc ứng dụng AI vào nông nghiệp sẽ giúp tự động hóa quy trình tổ chức, theo dõi, giám sát canh tác. Người nông dân chỉ việc tuân thủ lịch trình sản xuất được các công cụ thông minh đưa ra, còn việc theo dõi, nhắc nhở sẽ thuộc về các “nhà quản canh điện tử”. Đó là những phần mềm công cụ AI tự động lập trình, tự động theo dõi các dữ liệu thu thập được để theo dõi cây trồng tăng trưởng, cần bổ sung những gì và vào lúc nào. Tình trạng sâu rầy, nguy cơ diễn ra dịch bệnh sẽ được cảnh báo trước và người nông dân chỉ kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm sẵn có của mình, sẽ rất chủ động phòng tránh. Quy trình quản canh bằng AI cũng sẽ xây dựng được những hệ thống dữ liệu ổn định và giúp dự báo, đề xuất quy hoạch, chỉnh đổi các vùng canh tác, về cả diện tích và sản lượng nên đầu tư hay không, tốt cho cả công tác quản lý lẫn sản xuất.

Thứ hai, công cụ AI sẽ giúp hệ thống hóa các dữ liệu canh tác để dự đoán chính xác kết quả mùa vụ, sau đó so sánh với các vùng dữ liệu thị trường, giúp người nông dân điều chuyển được định hướng đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Nếu nông dân có được quan hệ kết nối đầu tư với các doanh nghiệp phân phối xuất khẩu, nông sản làm ra sẽ có được ngay định hướng thị trường lợi thế sắp đến, làm cơ sở cho những hoạt động tìm hiểu, xâm nhập, mở rộng những thị trường, thị phần mới. Nông dân không còn bị động chờ đợi thương lái đến ngã giá nông sản, mà qua hỗ trợ của công cụ AI, có thể tìm kiếm ra những cơ hội bán hàng tốt nhất, kết nối với vùng tiêu thụ an toàn nhất. Các doanh nghiệp đầu mối như vậy sẽ vững lòng hợp đồng làm ăn với người nông dân.

Thứ ba, với mạng lưới thông tin lan tỏa, các công cụ AI cũng đồng thời trở thành đầu mối xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo các đầu mối thông tin không chỉ ở khu vực mà lan tỏa quốc tế. Điều này giúp công tác ngoại giao kinh tế được mở rộng, các nhà thương mại lớn dễ dàng tìm thấy được những dữ liệu phù hợp ngay từ… ruộng rẫy của người nông dân. Điều này đồng nghĩa với mỗi người nông dân trở thành một điểm ghi nhận tiêu thụ trong bản đồ số về nông sản thế giới. Câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” ám ảnh bao năm qua với người nông dân sẽ nhanh chóng lùi vào dĩ vãng. Đồng thời, trách nhiệm canh tác, tuân thủ các quy trình chất lượng để bảo đảm cung ứng những loại nông sản tốt nhất, giá trị cao của người nông dân cũng được nâng lên.

Rõ ràng cả ba vấn đề trên sẽ mở rộng cánh cửa sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người nông dân; và với những vùng nông nghiệp chuyên canh diện tích lớn như Đắk Lắk, câu chuyện ứng dụng AI vào nông nghiệp thật sự là một cơ hội lớn.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc