Multimedia Đọc Báo in

Hơn 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách

18:42, 14/08/2024

Chiều 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40).

Dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H`Yim Kđoh; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Đắk Lắk Đào Thái Hòa; đại diện các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội.

Thủy tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh:chinhphu.vn)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. 

Cả nước đã huy động được 238.338 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đến nay đạt hơn 373 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40). Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng (tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014), với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Tín dụng CSXH đã hỗ trợ cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, đáp ứng mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, trong đó nổi bật là giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%; đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại Đắk Lắk, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 7.890 tỷ đồng (tăng hơn 4.888 tỷ đồng so với năm 2014), với hơn 173 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt gần 46 triệu đồng (tăng 28 triệu đồng so với năm 2014). Vốn ưu đãi giúp hàng nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh...

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Chủ động báo cáo, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nghèo, đối tượng CSXH và yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới. Đồng thời, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng CSXH.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hệ thống Ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn kết có hiệu quả tín dụng CSXH với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.