Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

08:24, 01/08/2024

6 tháng đầu năm 2024, huyện Krông Bông trở thành địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá nhất tỉnh; từ đó góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tỷ lệ giải ngân khá

Theo Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Krông Bông, tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản (XDCB) giao năm 2024 của huyện là hơn 191,8 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024 ước giải ngân hơn 104 tỷ đồng (bằng 54,24% kế hoạch). Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý giải ngân được hơn 24,6/50,5 tỷ đồng (48,79% kế hoạch); nguồn vốn ngân sách huyện quản lý giải ngân hơn 79,4/141,3 tỷ đồng (56,19% kế hoạch).

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của huyện cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức bình quân chung của tỉnh 14,75% (tỷ lệ giải ngân của tỉnh 39,49%). Trong đó, giá trị giải ngân tập trung chủ yếu vào các công trình đã hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng năm 2023 và công trình chuyển tiếp được bố trí vốn năm 2024. Công tác giải ngân bảo đảm theo kế hoạch vốn giao và thông báo nguồn của cơ quan tài chính.

Thi công Dự án gia cố mái kênh chính và các hạng mục phụ trợ thuộc công trình thủy lợi Krông Kmar.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, để tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, UBND huyện đã phân công, chỉ đạo sát sao các biện pháp giải ngân cho từng chương trình, dự án. Đặc biệt huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB). Đồng thời tập trung chỉ đạo công tác điều hành ngân sách cấp huyện phục vụ các mục tiêu trọng tâm của tỉnh theo hướng linh hoạt, đồng bộ. Tăng cường đôn đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đầu tư công.

 

“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện Krông Bông trong những tháng đầu năm cao hơn mức bình quân chung của tỉnh đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các ngành, các cấp” -  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên.

Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong thực hiện những phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Trong đó, chủ động thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, triển khai công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Trong quá trình triển khai, huyện đã tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng đồng thời với các biện pháp tăng cường quản lý ngân sách, xử lý nợ thuế.

Phấn đấu sớm “về đích”

Để hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2024, phấn đấu sớm nghiệm thu hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND huyện Krông Bông đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, kiên quyết trong những tháng cuối năm.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị, phòng, ban có liên quan, UBND các xã, thị trấn, các chủ đầu tư tập trung thực hiện thanh quyết toán và giải ngân kịp thời nguồn vốn giao đối với công trình thanh toán nợ. Đến hết quý 3/2024 nếu chưa giải ngân hết vốn, UBND huyện sẽ điều chuyển sang công trình khác có nhu cầu sử dụng nguồn vốn.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tiến độ thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký kết, phối hợp với đơn vị tư vấn, giám sát thi công xây dựng công trình, đôn đốc nhà thầu thi công để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và hoàn thiện hồ sơ thanh toán theo từng giai đoạn thi công để giải ngân nguồn vốn theo quy định đối với các công trình chuyển tiếp.

Thi công Dự án ổn định, sắp xếp dân cư tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát trong việc tổ chức triển khai thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra; thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm bảo đảm khối lượng để giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch được giao đối với công trình khởi công mới. Đồng thời, hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức ký kết hợp đồng, bàn giao mặt bằng để sớm thi công các công trình mở mới chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 8/2024.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng. Trường hợp khó khăn vượt quá thẩm quyền, các đơn vị báo cáo đề xuất kịp thời UBND huyện để chỉ đạo thực hiện. Huyện cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu các thủ tục về xác định giá đất, sớm hoàn thành các thủ tục bán đấu giá đất để sớm có kinh phí giải ngân các công trình từ nguồn tiền sử dụng đất ngân sách huyện...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.