Nan giải công tác quản lý chất lượng hàng online (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Để không "mắc bẫy” khi mua hàng online
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chất lượng hàng hóa mua bán online. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cũng cần thận trọng trong lựa chọn và giao dịch hàng hóa để tự bảo vệ chính mình.
Hãy là "người tiêu dùng thông minh"
Những chiêu trò kinh doanh hàng online đang ngày càng phát triển với thủ đoạn khó lường nên việc người tiêu dùng mua trúng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... là điều khó tránh khỏi.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Phương Lan khuyến cáo, đối với hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), người tiêu dùng cần mua hàng tại những trang uy tín, được cấp phép hoạt động của Bộ Công Thương và có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…).
Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về quy chế mua hàng, các điều kiện và điều khoản, đặc biệt về chính sách bảo hành, đổi trả hàng, hoàn tiền, thanh toán, giao nhận. Khi nhận hàng, người mua nên mở kiểm tra sản phẩm, quay video, chụp ảnh để nếu xảy ra trường hợp giao hàng không đúng chất lượng, mẫu mã, hàng hóa bị hư hỏng… sẽ có chứng cứ phản hồi cho ban quản trị sàn TMĐT để được tư vấn, hỗ trợ đổi, trả hàng hoặc hoàn lại tiền theo quy định.
Người tiêu dùng cần lựa chọn shop bán hàng uy tín để mua sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử Shopee. |
Thực tế, nhiều trường hợp mua phải mỹ phẩm giả, kém chất lượng bán trên các sàn TMĐT được xem là uy tín như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki… Do đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ thông tin nguồn gốc xuất xứ, tính năng và đánh giá về sản phẩm trên các gian hàng của người mua trước đó.
Bên cạnh đó, hạn chế mua online những mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, bởi với những mặt hàng này, người mua thường phải mở hộp sử dụng mới biết chất lượng sản phẩm nhưng theo quy định, sản phẩm đổi trả phải nguyên vẹn.
Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân chi tiết cho những sàn TMĐT hoặc website lạ vì đây có thể là hành vi lấy thông tin người tiêu dùng để thực hiện việc làm trái phép hoặc đánh cắp thông tin tài chính.
Đối với mạng xã hội, hiện nay có không ít trang bán hàng trực tuyến quảng cáo bán hàng với giá rất rẻ, nhất là đối với các mặt hàng điện tử nhưng khi người mua gọi vào số điện thoại ở trang đó thì không thể liên lạc hoặc không nghe máy.
Bởi vậy, người tiêu dùng cần cảnh giác với những tài khoản mạng xã hội quảng cáo sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Cần đặc biệt cảnh giác với thông tin chuyển nhà cần bán lại các sản phẩm điện tử, điện lạnh, đồ dùng… có giá trị cao nhưng thanh lý với giá rẻ và yêu cầu người mua chuyển tiền cọc trước; thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty yêu cầu người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí.
Đồng thời, người mua không chuyển tiền thanh toán hoặc đặt cọc theo yêu cầu của người bán nếu chưa nhận được hàng hóa; không bấm vào các đường link được giới thiệu hoặc gửi đến tài khoản của khách hàng mà không rõ nội dung…
Siết chặt quản lý
Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk nhận định, hoạt động bán hàng online sẽ tiếp tục phát triển mạnh và chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
Một trường hợp khách hàng yêu cầu đổi sản phẩm khi mua ở gian hàng trên Shopee vì không đúng chất lượng nhưng không được giải quyết và chặn liên hệ. Ảnh: Người mua hàng cung cấp |
Cuộc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng là công việc không chỉ của riêng các lực lượng thực thi pháp luật mà là của toàn xã hội. Trước hết, cần hoàn thiện những quy định của pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng. Có làm được như vậy thì mới từng bước nâng cao kết quả công tác đấu tranh trên lĩnh vực này” - ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk. |
Vấn nạn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ… trên không gian mạng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Do đó, để từng bước đẩy lùi vấn nạn này, đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và lực lượng QLTT trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk Vương Minh Sơn cho biết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh để chỉ đạo các đội quản lý thị trường, tổ công tác TMĐT thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thị trường hàng hóa, nắm bắt thông tin về hoạt động kinh doanh, buôn bán theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên nền tảng TMĐT, trong đó tập trung vào những cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ logistics.
Cùng với đó, Cục cũng quan tâm đầu tư phương tiện cần thiết và đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để phát hiện, xử lý hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và TMĐT; tập trung nâng cao số lượng, chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời, chính xác hành vi vi phạm trên không gian mạng; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.
Ngoài ra, tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật; tiếp tục biên soạn, đăng tải các thông tin tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT lên trang Facebook và website của Cục QLTT Đắk Lắk…
Mai Khánh
Ý kiến bạn đọc