Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn thu hoạch lúa sau lũ

14:44, 12/08/2024

Cơn bão số 2 đi qua, nước lũ rút dần, nông dân vùng trồng lúa ở huyện Lắk đang cố vớt vát từng hạt thóc với mong muốn đủ một phần chi phí đầu tư.

Bỏ thì thương…

Trên các cánh đồng của các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, nhiều đám ruộng, lúa đứng đơ vì bị ngập nước vào thời điểm làm đòng. Ở những thửa ruộng gieo sạ sớm, dù tỷ lệ bông có hạt chắc đạt khoảng 50% thì lại nằm sát mặt đất, việc thu hoạch rất vất vả và tốn kém chi phí thuê công cán. Thậm chí, một số diện tích thu hoạch về chỉ để phục vụ chăn nuôi vì hạt bị thối, úng.

Một hộ dân ở thôn Buôn Tría (xã Buôn Tría, huyện Lắk) phải dùng xuồng kéo lúa lên bờ.

Đang cố gắng kéo từng bó lúa từ ruộng lên bờ, ông Nguyễn Đức Hoàng ở thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría than vãn, vụ Hè Thu năm nay gia đình ông gieo sạ giống lúa ngắn ngày OM2517 với hy vọng thu hoạch sớm để tránh được lũ tiểu mãn. Thế nhưng, cơn mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 7 vừa qua khiến toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông ngập chìm trong nước, năng suất, sản lượng chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với vụ Đông Xuân.

Buồn hơn nữa, do lúa đổ rạp xuống đất nên việc thu hoạch rất cực nhọc. Nếu như thời tiết thuận lợi, với mỗi héc-ta chỉ mất 2,5 triệu đồng thuê máy gặt đập, mùa này lúa đổ ngả phải thuê người gặt thủ công, chi phí tăng gấp 4 -5 lần so với thuê máy. "Bỏ thì thương, vương thì tội", với diện tích này, gia đình ông phải thuê khoảng 30 công nhật, mỗi công 250.000 đồng, chưa tính tiền hỗ trợ xăng xe đi lại, tiền ăn, nước uống giữa bữa, công tuốt lúa. Ước tính chi phí thuê công cán bỏ ra cho mỗi héc-ta lúa bị ngả đổ khoảng 10 triệu đồng.

Ruộng cách xa bờ khoảng 500 m, gia đình anh Y Then Ông (buôn Cam, xã Đắk Liêng) rất khó khăn mới đưa được lúa lên bờ. Thuê công vừa tốn kém, vừa không đủ bù chi phí, gia đình anh phải đổi công cho anh em, bạn bè. Lúa gặt xong phải bỏ vào bạt kéo lên bờ rồi dùng chậu nhựa lớn đưa lên xe vận chuyển. Nhọc nhằn, tốn kém nhưng không thể bỏ đi vì đã mất nhiều chi phí, công sức chăm sóc hơn 3 tháng qua.

Vừa thu hoạch xong 5 sào lúa sạ sớm giống OM2517, anh Nguyễn Tôn Điền (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) phải dùng máy thổi hạt thóc lép trước khi đóng bao bì mang về nhà. Anh Điền chia sẻ, vụ Hè Thu năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ nên diện tích lúa bị ngập rất lớn, thu hoạch vất vả đã đành, giá lúa bán ra cũng bèo bọt do bị đen, lép, chất lượng gạo không ngon. Năm nào cũng vậy, cứ vụ Hè Thu, nông dân vùng trồng lúa ở huyện Lắk cũng thấp thỏm vì phải đối mặt với nỗi lo lũ tiểu mãn đến sớm.

Khẩn trương thống kê thiệt hại

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, toàn huyện có gần 1.788 ha cây trồng vụ Hè Thu, chủ yếu là lúa nước bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 2. Thiệt hại tập trung nhiều nhất ở các xã gồm Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Nuê và rải rác ở các xã, thị trấn còn lại.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực kiểm tra, rà soát và thống kê mức độ thiệt hại của từng hộ dân. Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Phạm Xuân Huế cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Buôn Tría có hơn 350 ha lúa bị ngập lụt, trong đó có khoảng 293 ha bị mất trắng, còn lại 63 ha mất từ 30 - 70%.

Tỷ lệ thóc lép nhiều, người dân phải dùng máy thổi.

Hiện nay, đối với diện tích lúa sạ sớm, đặc biệt ở khu vực bị đổ, xã khuyến khích người dân chủ động thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Để có cơ sở hỗ trợ cho bà con nông dân theo quy định của Nhà nước, UBND xã đã chỉ đạo ban tự quản các thôn, buôn trên địa bàn thống kê mức độ thiệt hại cụ thể. Xã cũng đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra để xác minh, rà soát diện tích thiệt hại để báo cáo cấp trên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho hay, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân tập trung lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng, thuê nhân công gặt để cứu vớt phần nào những diện tích lúa bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, khẩn trương hoàn thành việc thống kê, đánh giá diện tích bị thiệt hại.

Trong đó, đối với thiệt hại về sản xuất nông nghiệp phải thực hiện theo Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo về thiệt hại do thiên tai gây ra. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Thống kê khu vực Lắk - Krông Bông cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại ở các xã, thị trấn theo quy định.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.