Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực cải cách tài chính công

08:44, 05/08/2024

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về cải cách tài chính công (CCTCC). Kết quả này có được là nhờ công tác tham mưu, đề xuất các phương án quản lý, điều hành ngân sách địa phương phù hợp với tình hình thực tế.

Để thực hiện hiệu quả CCTCC, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế, kinh phí được giao; sắp xếp lại bộ máy, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp.

Công chức Sở Tài chính tham mưu xử lý nội dung liên quan thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế,kinh phí được giao.

Trên cơ sở biên chế, nhiệm vụ, kinh phí được giao, các đơn vị được giao quyền tự chủ đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện sắp xếp, phân công nhiệm vụ hợp lý theo trình độ chuyên môn của từng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), đặc biệt là việc tuyển dụng viên chức theo nhu cầu của từng vị trí việc làm, cân đối các khoản chi tiêu tiết kiệm hợp lý; quản lý chặt chẽ ngày, giờ công; đánh giá hiệu quả việc hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng công việc được giao…

Một số đơn vị còn thực hiện khoán công tác phí trong và ngoài tỉnh cho cán bộ, công chức thấp hơn định mức Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nhằm tiết kiệm kinh phí để tăng thu nhập cho CBCCVC. Việc phân phối thu nhập tăng thêm với phương án phù hợp đã giúp CBCCVC yên tâm công tác, hăng hái trong công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cơ quan, đơn vị.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đến hết năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có 331 cơ quan nhà nước, trong đó khối huyện, thị xã là 259 đơn vị, khối tỉnh 72 đơn vị được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính. Theo đó, 100% cơ quan này đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để làm cơ sở triển khai thực hiện, hằng năm có sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định mới cũng như thực tế tại đơn vị.

Đối với các ĐVSNCL thực hiện cơ chế tự chủ, toàn tỉnh có 149 ĐVSNCL thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ tài chính. Trong đó, có 3 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 24 đơn vị tự chủ chi thường xuyên (tăng 3 đơn vị so với năm 2022, 116 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên (tăng 6 đơn vị so với năm 2022), 2 đơn vị tự bảo đảm từ 70 đến dưới 100% chi thường xuyên, 2 đơn vị tự bảo đảm từ 30 đến dưới 70% chi thường xuyên; 2 đơn vị tự bảo đảm từ 10 đến dưới 30% chi thường xuyên.

Ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính đánh giá, thực tế việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo quyền chủ động, tự quyết cho các đơn vị trong việc quản lý tài chính, nhất là các ĐVSNCL đã chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch khi được cấp trên giao phù hợp; chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ CBCCVC phù hợp, từng bước cải thiện thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, trong năm 2023, kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên cấp cho các ĐVSNCL là 3.111 tỷ đồng, giảm hơn 346 tỷ đồng so với năm 2022, tương đương hơn 10%.

Những kết quả trên cho thấy, cơ chế tự chủ đã tăng cường tính chủ động của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý nhân sự và quản lý tài chính, mạnh dạn quyết định những công việc phù hợp cho đơn vị trong khuôn khổ pháp luật, thẩm quyền được giao và nguồn kinh phí được cấp; tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp...

Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Thời gian tới, ngành tài chính tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới cơ chế quản lý tài chính; ban hành quy định về tự chủ trong xây dựng kế hoạch hoạt động và tự chủ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Từ đó, bảo đảm công tác CCTCC thực hiện có hiệu lực, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới cải cách hành chính và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đến cuối tháng 5/2024, sau khi sắp xếp, tổ chức lại, trên địa bàn tỉnh có 1.054 ĐVSNCL gồm: 6 ĐVSNCL thuộc UBND tỉnh, 129 ĐVSNCL thuộc các sở, ban, ngành và 919 ĐVSNCL thuộc UBND cấp huyện. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc