Multimedia Đọc Báo in

Trồng sầu riêng VietGAP: Hướng đi bền vững của nông dân Krông Búk

08:51, 30/08/2024

Việc sản xuất cây sầu riêng nói riêng, các loại nông sản khác nói chung theo hướng VietGAP đã và đang được huyện Krông Búk đẩy mạnh nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, từ đó xây dựng thương hiệu nông sản cho các loại cây trồng chủ lực ở địa phương góp phần phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững.

Gia đình ông Nguyễn Quang Rực ở thôn Ea Nguôi (xã Cư Né, huyện Krông Búk) có 2 ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 200 cây cho thu hoạch 4 năm nay, số còn lại đang cho thu bói.

Cách đây 4 năm, gia đình ông tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ tổng hợp xã Cư Né để liên kết trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vào HTX, ông đã học, tích lũy kinh nghiệm chăm sóc vườn cây từ việc sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, áp dụng tưới tiêu tiết kiệm, tạo tán, tỉa trái đúng kỹ thuật… Cách làm này đã tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng vườn cây sầu riêng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, quan trọng là bảo vệ sức khỏe của người trồng sầu riêng, bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Quang Rực, thôn Ea Nguôi (xã Cư Né, huyện Krông Búk) (bên trái) kiểm tra vườn sầu riêng chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

Ông Rực tự ủ phân vi sinh để bón cho cây sầu riêng thay thế cho phân hóa học. Ông còn giữ thảm cỏ quanh gốc cây để giữ ẩm, hạn chế sâu bệnh. Cùng với đó, ông còn sử dụng phân trùn quế để làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, đây là loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên có chứa hàm lượng hữu cơ rất cao có khả năng giữ dinh dưỡng, giữ nước rất quan trọng đối với cây sầu riêng.

Ông Rực cho biết, trồng sầu riêng hữu cơ mang lại sản phẩm ngon, bảo đảm chất lượng, sức khỏe cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, sau khi thu hoạch xong, ông cho cây nghỉ khoảng 10 ngày sau đó tiến hành rửa vườn để loại bỏ rong rêu bám trên thân, cành, tránh để rong phát triển trở thành khu vực thuận lợi cho nấm bệnh sinh sôi, giúp cho cây luôn ở điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo, tiếp đến làm phân hữu cơ để tạo bộ rễ mới cho cây. "Trong thời gian 70 ngày từ lúc ra hoa đến khi hình thành quả, tôi chỉ bỏ 4 lần phân hữu cơ, chủ yếu là phân trùn quế nên cây sầu riêng cũng rất ít sâu bệnh", ông Rực cho hay.

Không riêng gì ông Rực mà 16 thành viên của HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp xã Cư Né, với 29,5 ha sầu riêng VietGAP đều được tham quan các mô hình sản xuất sầu riêng hữu cơ, tham gia các buổi hội thảo, các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp liên kết với HTX tạo đầu ra ổn định.

Huyện Krông Búk hiện có 4.545 ha sầu riêng, trong đó khoảng 2.700 ha cho sản phẩm; diện tích trồng thuần là 1.500 ha, còn lại trồng xen với cà phê, hồ tiêu..., sản lượng niên vụ 2024 ước đạt 40.000 tấn. Trong đó, vùng có diện tích sầu riêng nhiều là xã Chứ Kbô với 1.356 ha, xã Cư Pơng: 908 ha, xã Cư Né: 755,1 ha. Bà con nông dân chủ yếu trồng sầu riêng Dona (chiếm khoảng 90% diện tích), Ri6 và gần đây đang trồng thử nghiệm giống Musangking.

Vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Quang Rực, thôn Ea Nguôi (xã Cư Né) (bìa phải) luôn để thảm cỏ quanh gốc cây để giữ ẩm và hạn chế sâu bệnh.

Trên địa bàn huyện có 6 HTX và 1 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích khoảng 214,4 ha, sản lượng đạt gần 3.000 tấn/năm. Ông Trần Minh Thuận, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, thời gian qua huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn cử cán bộ theo dõi tình hình sản xuất, thu hoạch, kịp thời nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc để tham mưu, đề xuất hỗ trợ; hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; định hướng cho bà con giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng sầu riêng ồ ạt ở những nơi thổ nhưỡng không thuận lợi....

Huyện Krông Búk được phía Hải quan Trung Quốc cấp 17 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với diện tích 283,93 ha, tập trung ở các xã: Tân Lập có 4 mã, xã Cư Né có 6 mã, xã Ea Ngai có 2 mã, xã Cư Pơng có 4 mã và xã Chứ Kbô có 1 mã vùng.

Kim Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.