Cần hỗ trợ pháp lý nhiều hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nền kinh tế, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ để loại hình DN này vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung.
Tuy nhiên, để phát triển và nhất là phát triển một cách bền vững, DNNVV cần nhiều hơn nữa sự đồng hành, hỗ trợ.
Việt Nam có gần 930.000 DN đang hoạt động, trong đó DNNVV chiếm đến 98%. Riêng tại Đắk Lắk, đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh có 12.983 DN đang hoạt động, trong đó hầu hết cũng là DNNVV. Các DNNVV là nhân tố quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Hiểu rõ tầm quan trọng của loại hình DN này, năm 2017, Quốc hội đã thông quan Luật DNNVV, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2018. Luật DNNVV đã tạo ra khung pháp lý, đưa ra nhiều chính sách thiết thực như hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng, ưu đãi về thuế, hỗ trợ công nghệ và mở rộng thị trường... Những chính sách này nhằm giúp DNNVV vượt qua các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cũng thường xuyên triển khai những chương trình hỗ trợ thiết thực như: hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… Qua đó, giúp DNNVV gia tăng cơ hội tiếp cận với các nguồn lực để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng, một trong những nội dung quan trọng mà DNNVV đang rất cần là được hỗ trợ về mặt pháp lý lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Bên cạnh yếu tố chủ quan là nhiều DNNVV vẫn chưa quan tâm đến kiến thức pháp luật mà chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì yếu tố quan trọng khác là họ rất khó tiếp cận với những thông tin cần thiết.
Điều này thể hiện rõ nhất đó là hầu hết các DN hiện nay đang gặp những vướng mắc về thủ tục đất đai. Nhu cầu của các DN là muốn có địa điểm sản xuất ổn định, tuân thủ quy định.
Thế nhưng, rất nhiều cơ sở sản xuất đang hoạt động ở khu dân cư, trên đất nông nghiệp, không phù hợp với quy hoạch. Số DNNVV tiếp cận và vào được những nơi sản xuất tập trung còn ít do không nắm rõ thông tin...
Một doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: Minh Thông |
Đơn cử như tại huyện Ea Kar, đại diện một DN sản xuất vật liệu xây dựng chia sẻ, mặc dù nhà xưởng của mình đang nằm trên đất được quy hoạch là đất kinh doanh, dịch vụ nhưng thực tế thì vẫn nằm trong khu dân cư. Với vị trí này, trong tương lai gần có thể sẽ không còn phù hợp với việc sản xuất vật liệu xây dựng bởi những vấn đề liên quan đến môi trường. Cùng với đó sẽ rất khó khăn nếu DN muốn mở rộng quy mô hoạt động của mình.
Điều đáng nói là khi thành lập, DN này đã rất muốn được xây dựng nhà máy ở những khu vực được quy hoạch phục vụ sản xuất tập trung như các khu, cụm công nghiệp nhưng không biết quy trình đăng ký. Đến khi “mò” ra được quy trình thì những khu vực sản xuất tập trung đã… hết chỗ.
Đây là thực trạng chung của không ít DNNVV trên địa bàn tỉnh. Bởi trên thực tế, hầu hết DNNVV được hình thành từ các hộ sản xuất, kinh doanh nên việc nhà xưởng đặt ngay trong khu dân cư là tương đối phổ biến. Trong khi đó, cần phải làm những gì, làm như thế nào, tiếp cận thông tin từ đâu… để hoạt động của mình bảo đảm đúng quy định thì rất nhiều DNNVV đang gặp khó khăn.
Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình về vướng mắc pháp lý cơ bản trong hoạt động của DNNVV. Đó là chưa kể khi gặp những vấn đề pháp luật liên quan đến kiến thức chuyên sâu như chính sách thuế, hải quan, về hợp đồng thương mại và những phát sinh, tranh chấp... thì DNNVV còn khó khăn hơn rất nhiều.
Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các hội, hiệp hội DN đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho DNNVV, nhưng hoạt động này dường như chưa bắt kịp với nhu cầu thực tế của cộng đồng DN. Vì thế, trước mắt cũng như lâu dài, DNNVV rất cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa về pháp lý để bảo đảm quá trình phát triển của mình mang tính bền vững.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc