Multimedia Đọc Báo in

“Đổi đời” những miền quê khi thông đường thông tuyến

08:49, 03/09/2024

Từ những miền quê với những con đường đất mưa lầy, nắng bụi, nay nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã chuyển mình “thay da, đổi thịt” nhờ hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng.

Tăng cường kết nối liên huyện

Cùng với hệ thống các tuyến quốc lộ, hệ thống đường tỉnh đến mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư khá hoàn thiện. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, tăng tính kết nối liên vùng, nội vùng.

Cuối năm 2022, công trình cầu vượt sông Krông Ana và đường hai đầu cầu nối Tỉnh lộ 2 với Tỉnh lộ 7 chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phá thế “gần nhà xa ngõ” và rút ngắn khoảng cách đi lại giữa huyện Krông Ana và huyện Lắk. Trước khi dự án này được triển khai, xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) và xã Buôn Triết (huyện Lắk) ngăn cách nhau bởi sông Krông Ana, người dân thường sử dụng đò tự phát để qua sông. Đây là hai vựa lúa lớn của huyện Lắk và huyện Krông Ana, trước đây do bị “ngăn sông, cách chợ” nên việc đi lại, vận chuyển, giao thương hàng hóa, nhất là thóc lúa sau mỗi vụ thu hoạch gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế tại công trình cầu vượt sông Krông Ana và đường hai đầu cầu nối Tỉnh lộ 2 với Tỉnh lộ 7.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Buôn Triết (huyện Lắk) Bùi Mạnh Hải, Buôn Triết là địa phương có diện tích gieo trồng lúa nước lớn của huyện Lắk, với khoảng 2.200 ha mỗi năm, lúa được thương lái từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ thu mua. Trước đây, khi chưa có cầu vượt sông Krông Ana, tất cả các phương tiện vận chuyển phải đi theo hướng từ trung tâm huyện Lắk vào các cánh đồng ở xã Buôn Triết. Gần hai năm nay, khi cầu nối sông Krông Ana hoàn thành, người dân, phương tiện vận chuyển đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn, nông sản của bà con thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đó, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.

Tương tự, tuyến Tỉnh lộ 9 nối huyện Krông Bông và huyện Krông Pắc chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng hơn một năm nay đã tháo gỡ "điểm nghẽn" giao thương giữa hai địa phương và vùng lân cận. Chính thức được khởi công xây dựng vào cuối tháng 12/2022, hoàn thành vào trung tuần tháng 4/2023, Dự án nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 9 có quy mô công trình xây dựng thuộc nhóm B, loại công trình giao thông đường bộ cấp III miền núi. Trong đó, các đoạn qua trung tâm thị trấn Phước An và các xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc), xã Dang Kang, xã Cư Kty (huyện Krông Bông) được thiết kế với vận tốc 60 km/giờ, nền đường rộng 9 m; các đoạn còn lại được thiết kế với vận tốc 40 km/giờ, nền đường rộng 7,5 m.

Dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng sự mong đợi từ nhiều năm nay của người dân huyện Krông Pắc và huyện Krông Bông.

“Đòn bẩy”xây dựng nông thôn mới

Cùng với sự quan tâm từ nguồn ngân sách nhà nước, sự đồng hành của các doanh nghiệp và chung tay của người dân đối với phong trào làm đường giao thông mà kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của các địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó tạo nên diện mạo mới khang trang, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống người dân ngày một nâng lên.

Là địa phương đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại của huyện Lắk về đích nông thôn mới, từ một địa phương có kết cấu hạ tầng xuống cấp, đến nay diện mạo xã Buôn Tría đã khởi sắc rõ nét. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư hoàn thiện, 100% đường đến trung tâm xã được nhựa hóa, tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa đạt trên 85%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa, tỷ lệ cứng hóa đạt trên 80%. Hiện địa phương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Điều đáng mừng là mức thu nhập bình quân đầu người đạt 42,5 triệu đồng/năm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Giao thông nội đồng xã Buôn Tría (huyện Lắk) được bê tông hóa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, vận chuyển nông sản.

Ở nhiều địa phương khác, phong trào người dân hiến đất làm đường, xây dựng công trình phúc lợi cũng được lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông. Giao thông được các địa phương xác định là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đẩy nhanh tiến trình về đích nông thôn mới. Tiêu biểu như huyện Krông Ana, tính đến giữa năm 2024, địa phương đã có 5/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm nay, 2 xã còn lại hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Những thành quả đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn toàn huyện, đây cũng là “đòn bẩy” giúp Đảng bộ huyện Krông Ana từng bước hiện thực hóa mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện và trở thành một trong những huyện phát triển khá của tỉnh vào năm 2025.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Võ Kế Thắng cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có hơn 19.708 km. Nhìn chung, hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại của tỉnh phát triển đồng bộ, liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, tăng cường khả năng liên kết, mở rộng thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển ngày càng cao, phương tiện cá nhân tăng nhanh nên hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu so với thực tế. Đặc biệt, hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn phát triển còn hạn chế về số lượng, chất lượng, kết cấu áo đường chủ yếu đá dăm láng nhựa, cấp phối.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc