Hỗ trợ tháo dỡ 31 cơ sở sản xuất gạch thủ công
Trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở sản xuất gạch thủ công đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cụ thể, huyện Krông Pắc có 9 cơ sở, huyện Krông Bông: 6 cơ sở, huyện Krông Ana: 5 cơ sở, huyện Lắk: 3 cơ sở, huyện Cư Kuin: 2 cơ sở, huyện Ea Kar: 5 cơ sở, huyện Krông Búk: 1 cơ sở.
Một cơ sở sản xuất gạch tại xã Ea Bông (huyện Krông Ana). |
Đến nay, 5 huyện đã hoàn thành phê duyệt phương án hỗ trợ cho các cơ sở, với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng (huyện Krông Ana hỗ trợ 801,7 triệu đồng, huyện Cư Kuin: 219 triệu đồng, huyện Ea Kar: 602,8 triệu đồng, huyện Krông Pắc: hơn 2 tỷ đồng, huyện Krông Bông: hơn 614 triệu đồng).
Tại huyện Krông Búk và Lắk, cơ quan chức năng đã rà soát, hướng dẫn, nhưng các cơ sở không lập hồ sơ đề xuất hỗ trợ theo quy định, không có nhu cầu đề xuất hỗ trợ.
Theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, người lao động tại các cơ sở sản xuất gạch thủ công đã tháo dỡ được hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nghề, tuy nhiên, các cơ sở không có nhu cầu đăng ký do người lao động đã lớn tuổi, đi làm ăn ngoài tỉnh hoặc đã tự chuyển đổi công việc.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc