Multimedia Đọc Báo in

Không gian làm việc chung: Xu hướng đầu tư bất động sản trong tương lai gần?

05:54, 22/09/2024

Giá mặt bằng cho thuê đắt đỏ khiến nhiều doanh nghiệp ở đô thị lớn phải tính đến việc tiết giản văn phòng riêng, trong đó nhóm doanh nghiệp công nghệ “đổ xô” tìm đến các “không gian làm việc chung”. Dự kiến những đô thị thứ hai sau những đô thị lớn sẽ có thể là điểm “đổ bộ” của các doanh nghiệp này.

Anh Hữu Trí, CEO (giám đốc điều hành) một doanh nghiệp công nghệ máy tính hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ sau đại dịch COVID-19, công ty anh đã từ bỏ văn phòng riêng tại quận 1 để “lui về” một văn phòng chia sẻ tại quận 3, tiết kiệm được hơn 2/3 chi phí cố định hằng tháng.

Các nhân viên có diện tích làm việc nhỏ gọn hơn, song bù lại, văn phòng chia sẻ có ba ưu thế: không gian dùng chung trong các hoạt động, sự kiện tăng lên, dễ dàng tìm được cộng đồng hưởng ứng trong “không gian chung” của tòa nhà cho thuê; sinh hoạt của các nhân viên “cải thiện” do chung quanh tòa nhà có nhiều tiện ích ẩm thực, tiêu dùng thuận lợi hơn; và các khoản chi tiêu về quản lý văn phòng, giao dịch đi lại rõ ràng hơn.

Anh Trí rất hài lòng với quyết định chọn không gian làm việc chung của mình, và đang lên kế hoạch mở rộng sử dụng những không gian mới này từ văn phòng thứ hai của đơn vị. Thực tế cho thấy, đây cũng là xu hướng chọn lựa của hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ và ứng dụng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh.

Báo cáo của tổ chức tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) tại Việt Nam cho thấy, thành phố thương mại lớn nhất Việt Nam hiện có 120 trung tâm văn phòng có chức năng chia sẻ không gian làm việc chung. Các văn phòng này hiện đều đã chia sẻ hết, dù giá thuê khá cao.

Sắp tới, sẽ có thêm các văn phòng được mở tại vùng phụ cận và ven thành phố, do những nhà cung cấp dịch vụ mới nổi đầu tư, tạo môi trường làm việc chung, chỗ ngồi linh hoạt, phù hợp công ty vừa và nhỏ. Theo dự đoán của Knight Frank Việt Nam, dạng văn phòng không gian làm việc chung tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng lên rất mạnh từ cuối năm 2024 này.

Một tòa nhà cho thuê văn phòng ở TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Gia

Báo cáo của The Sentry, đơn vị chuyên quản lý bất động sản thương mại và dự án cũng thể hiện, hướng phục vụ các công ty khởi nghiệp công nghệ và sáng tạo sẽ là điểm nhắm đến của các đơn vị tư vấn. Đơn vị này dự tính các đơn vị làm dịch vụ công nghệ thông tin cho nước ngoài sẽ tăng trưởng mạnh ở các đô thị lớn Việt Nam, nhất là các start-up lập trình game và trí tuệ nhân tạo AI. Do đó, khối các văn phòng làm việc chung sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp càng trẻ, càng ưu tiên ứng dụng công nghệ càng ưa thích mặt bằng xa khu trung tâm thành phố, có giá thuê phải chăng và kết nối thuận tiện với các khu công nghệ cao khác.

Tựu trung các đánh giá này, dự báo sẽ có một cuộc dịch chuyển và đầu tư lớn chuẩn bị bùng nổ tại các đô thị lớn, và lan tỏa đến các đô thị đang phát triển. Ở các đô thị lớn, nhóm văn phòng làm việc chung sẽ xê dịch từ trung tâm ra ngoại ô, nhắm đến các không gian làm việc càng đa tiện ích, giá thành rẻ. Với các đô thị thứ hai, cơ hội sẽ đến với các không gian đầu tư rộng, phân chia khoa học vị trí làm việc, kết nối đa tiện ích và càng tiệm cận các trung tâm khoa học, viễn thông càng có lợi thế.

Câu hỏi này được đặt ra với CEO Hữu Trí, và anh đặt chọn lựa đến một số đô thị “vùng”, như Buôn Ma Thuột, và xa hơn, là Đà Nẵng. “Chúng tôi nghĩ Buôn Ma Thuột là thành phố đang có nhiều lợi thế, nhất là đầu tư kinh doanh, sản xuất, tính ứng dụng chiến lược kinh tế cao hơn, so với thành phố nổi tiếng là Đà Lạt, trung tâm du lịch vùng Tây Nguyên. Đà Nẵng là thành phố miền Trung đã có nhiều lợi thế về phát triển công nghệ thông tin, có môi trường dịch vụ tốt đã được ghi nhận. Nhưng so về vị trí, Buôn Ma Thuột chỉ cần đầu tư tốt hơn về hạ tầng viễn thông, giao thông đô thị, tạo nhiều trung tâm văn phòng chia sẻ, thì sẽ được chú ý”, anh Trí nhìn nhận.

Một công trình tòa nhà thương mại và văn phòng đang được thi công xây dựng trên đường Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hồng Hà

Ở góc độ khác, theo một số bạn trẻ học ngành công nghệ thông tin và viễn thông tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Thế giới số đang thay đổi thói quen và tư duy mọi người. Xã hội ngày càng tiếp cận những thành tựu và ứng dụng công nghệ số, thì môi trường làm việc mọi người cũng được cập nhật hiện đại hơn, không còn gói gọn trong các tòa nhà văn phòng đô thị lớn.

Phải thấy rõ ở tương lai gần, khi công nghệ ngày càng phát triển thì văn phòng đặt ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh sẽ không có sai khác lớn với văn phòng ở Buôn Ma Thuột hay Đà Nẵng, Nha Trang. Thậm chí, bởi những văn phòng ở đô thị thứ hai có chi phí thấp hơn, điều kiện kết nối mở rộng, không bị các hạn chế đi lại, sinh hoạt cản trở, hiệu suất làm việc của mỗi người sẽ tăng cao hơn.

Như vậy, càng là các doanh nghiệp nội dung số, ứng dụng công nghệ cao, lựa chọn các không gian làm việc chung sẽ càng được ưu tiên, và các không gian đó không nên bó hẹp ở bất cứ thành phố nào.

Một sự kiện khởi nghiệp không gian số được tổ chức tại TP. Đà Nẵng mới đây đã thu hút hàng trăm đơn vị khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ số tham gia. Có một thống kê rất quan trọng, là đa phần đơn vị này đều hoạt động ở các không gian văn phòng làm việc chung. Một số tòa nhà trung tâm Đà Nẵng được chọn là địa chỉ của các doanh nghiệp này, bởi có các văn phòng chia sẻ.

Trong đó, có một số lãnh đạo doanh nghiệp đến từ Tây Nguyên. CEO một đơn vị sản xuất chế phẩm sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho biết, văn phòng nghiên cứu chính của anh đặt ở Đà Lạt, và anh đã có một dự án hợp tác sản xuất tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk).

Nghĩa là, một ngày không xa, văn phòng doanh nghiệp này sẽ mở ở Buôn Ma Thuột. Điều đó có trở thành câu hỏi với những nhà đầu tư đang nhắm vào vùng đất này: các trung tâm “không gian làm việc chung” đã nên xuất hiện từ bây giờ?

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc