Làm sao để khỏi lãng phí từ những "cây cầu cụt"?
Mới đây, Báo Đắk Lắk đã có bài viết "Những cây cầu chưa thể... nối bờ vui" phản ánh tình trạng "cầu xây xong để đó" trên địa bàn huyện Krông Bông. Đáng buồn là thực trạng này không chỉ ở Krông Bông mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác tại Đắk Lắk cũng như cả nước.
Dễ thấy ở nhiều địa phương phổ biến tình trạng cầu làm xong mà không đưa vào sử dụng được, chỗ ít thì vài tháng đến một năm, chỗ nhiều thì "đắp chiếu" đến cả vài năm. Và hầu hết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc thiếu vốn do bị “đội” chi phí đầu tư…
Cầu vượt sông Krông Bông đã hoàn thành nhưng người dân chưa thể qua lại vì thiếu đường dẫn. Ảnh: Lê Lan |
“Cầu xây xong để đó” khiến mục đích của việc làm cầu không đạt được, hàng trăm tỷ đồng bị lãng phí. Trong bối cảnh vốn đầu tư công còn hạn hẹp, mỗi dự án giao thông nói chung, xây dựng cầu nói riêng đều được tính toán, phân bổ dựa trên sự cấp thiết của nó.
Chưa kể, mỗi cây cầu được xây dựng mang theo sự mong đợi, hy vọng của người dân để được đi lại thuận lợi hơn. Với các địa phương, mỗi công trình giao thông, trong đó có những cây cầu được hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm chừng nào, địa phương càng có thêm điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội sớm chừng đó.
Ai cũng biết điều đó, nhưng tại sao tình trạng “cầu… thiếu đường” vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, nguồn lực bị lãng phí?
Điều dễ nhận thấy nhất đó là mỗi công trình cầu được phê duyệt, chắc chắn sẽ phải nằm trong quy hoạch giao thông tổng thể cả về vị trí, không gian và nguồn lực thực hiện. Do đó, vướng mắc phổ biến của các công trình “cầu cụt” là công tác GPMB phải được nhìn nhận lại ở khía cạnh vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.
Đối với các chủ đầu tư, nên chăng cần thực hiện đồng thời việc thi công với quyết liệt làm công tác GPMB, không để “vướng” mới “gỡ”. Bởi mỗi dự án làm cầu đường bên cạnh việc đã được quy hoạch tương đối bài bản thì thường có thời gian thi công khá dài, nên thực hiện đồng thời những việc trên hoàn toàn khả thi.
Về phía các địa phương, như đã nói ở trên, phải xác định các dự án hạ tầng giao thông nói chung, công trình cầu nói riêng là một trong những động lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mình. Thế nên cần có những hỗ trợ cần thiết, nhất là trong công tác GPMB, không thể bỏ mặc nhà đầu tư, đơn vị thi công “tự bơi” như đang diễn ra thời gian qua ở một số nơi.
Còn với người dân có đất đai, tài sản bị ảnh hưởng bởi các dự án cầu đường cũng cần đề cao hơn lợi ích cộng đồng để chấp nhận phương án hỗ trợ, đền bù phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi xét đến cùng, những công trình cầu đường hoàn thành cũng phục vụ nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính những người bị ảnh hưởng trong quá trình thi công.
Có thể khẳng định, nếu có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng, bài bản; cùng với đó là giải quyết hài hòa quyền lợi giữa các bên liên quan, tình trạng “cầu… chờ đường” sẽ được hạn chế hơn rất nhiều.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc