Multimedia Đọc Báo in

Nhượng quyền thương hiệu F&B: Ai thắng, ai thua?

14:01, 23/09/2024

Những năm gần đây, nhượng quyền thương hiệu được coi là đặc trưng của ngành F&B - ngành kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống.

Thế nhưng, không phải cứ kinh doanh nhượng quyền là dễ thành công, là ít rủi ro.

Sức hút nhượng quyền thương hiệu ngành F&B tại Việt Nam

Theo báo cáo ngành F&B Việt Nam của Kirin Capital - Công ty Đầu tư vốn cổ phần cơ bản tại Việt Nam, đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức của nền kinh tế, F&B Việt Nam vẫn đạt tổng doanh thu hơn 590 nghìn tỷ đồng vào năm 2023, tăng 11,47% so với năm 2022. Đáng chú ý, dịch vụ nhà hàng đóng góp hơn 68% vào tổng doanh thu này, cho thấy xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng gia tăng trong lĩnh vực ăn uống.

Ngoài ra, theo Euromonitor International - Tập đoàn nghiên cứu thị trường trụ sở chính tại Anh, từ năm 2023 đến năm 2027, ngành F&B Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 10,25% và đạt mức tăng trưởng trung bình mỗi năm là 10,92%. Với đà tăng trưởng này, giá trị thị trường F&B Việt Nam ước tính vượt mốc 655 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 và chạm mốc 872,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Vài năm trở lại đây, thị trường F&B Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ các trào lưu ẩm thực. Những trào lưu này thường được lan truyền qua các hình ảnh và video ngắn giới thiệu đồ ăn vặt đường phố với lượng tương tác khổng lồ trên các trang mạng xã hội. Các món ăn và đồ uống vừa đa dạng, vừa rẻ và mang đến trải nghiệm mới lạ đã trở thành những “thỏi nam châm” hút khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ Gen Z - một trong những nhóm người tiêu dùng chiếm ưu thế nhất trên thị trường.

Như vậy, để đạt được mức lợi nhuận mong muốn, các nhà đầu tư không chỉ đơn thuần giải quyết việc cung cấp các bữa ăn và thức uống mà còn phải có sự sáng tạo, khả năng quản lý và điều hành linh hoạt để vượt qua các thách thức, các đối thủ cạnh tranh cũng như sự liên tục đổi mới của thị trường.

Với sức hút và khả năng tạo ra một nguồn lợi nhuận lớn cùng với nhu cầu thị trường liên tục thay đổi, trào lưu kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu trong ngành F&B đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Bởi trong một khoảng thời gian ngắn hạn từ lúc trào lưu nổi lên, việc tạo dựng được một thương hiệu riêng là rất khó và khoản chi phí bỏ ra cũng rất lớn.

Đơn cử như thương hiệu trà sữa Gong Cha, được thành lập vào năm 2006 và gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 thông qua hình thức nhượng quyền, dù khoản chi phí nhượng quyền rất lớn (dao động khoảng từ 3 - 5 tỷ đồng), tính đến tháng 7/2024 cả nước đã có 40 cửa hàng trà sữa Gong Cha. Doanh thu từ chuỗi các cửa hàng Gong Cha lên đến gần 115 tỷ đồng vào năm 2023, tăng trưởng 13% so với năm trước đó.

Những góc khuất của “cuộc chơi”

Mặc dù tổng doanh thu thị trường F&B Việt Nam là rất lớn, song con số này chưa phản ánh hết những góc khuất của thị trường. Thực tế cho thấy, đa số người mua nhượng quyền tại Việt Nam thường nhìn vào cơ hội mà bỏ qua rủi ro, dẫn đến tình trạng dù đã bỏ ra một lượng vốn lớn nhưng càng kinh doanh lại càng thua lỗ, cuối cùng buộc phải sang nhượng hoặc thậm chí đóng cửa quán.

Điều này chủ yếu đến từ việc các nhà đầu tư luôn cảm thấy sợ hãi mình bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh từ các trào lưu ẩm thực nổi lên nhất thời nên không tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định kinh doanh nhượng quyền. Việc không nắm rõ nội dung hợp đồng nhượng quyền, không nắm rõ tình hình kinh doanh của thị trường, hay không biết sức khỏe tài chính công ty mẹ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Điển hình như câu chuyện về thương hiệu Mixue. Nổi tiếng là thương hiệu trà sữa giá rẻ không chỉ về giá thành menu mà còn cả chi phí nhượng quyền, Mixue đã nhanh chóng đạt mốc 1.000 cửa hàng chỉ sau 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Nhờ vào tốc độ mở rộng nhanh chóng này và chiến lược kinh doanh tập trung vào yếu tố “rẻ”, Mixue đã thành công thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia nhượng quyền. Tuy nhiên, “cuộc chơi” này đã dẫn đến tình trạng các cửa hàng Mixue mọc san sát nhau khiến hầu hết các nhà đầu tư mới phải chịu lỗ nặng nề.

Không những thế, vào nửa cuối năm 2023, phía Mixue còn đưa ra quy định giảm 25% giá bán sản phẩm nhưng chỉ giảm giá nhập nguyên liệu đầu vào khoảng 8 - 10%. Mặc dù rất bất mãn nhưng các nhà đầu tư không thể làm trái quy định vì các điều khoản trong hợp đồng cũng như các thiết bị và phần mềm điều hành đều do hãng quản lý. Với quy định này, cam kết của Mixue về việc thu hồi vốn trong vòng 6 - 7 tháng là không thể thực hiện được. Nhiều chủ đầu tư nhượng quyền đã tập trung trước trụ sở Công ty TNHH Snow King Global (đơn vị quản lý thương hiệu Mixue) để phản đối chính sách mới của công ty.

Ngoài ra, còn có rất nhiều trào lưu ẩm thực khiến nhà đầu tư kinh doanh nhượng quyền phải chịu cảnh điêu đứng vì “lời đâu chẳng thấy, chỉ toàn lỗ” như trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai, lạp xưởng nướng đá…

Kinh doanh nhượng quyền rõ ràng không phải là một “cây đũa thần” có thể bảo đảm thành công cho nhà đầu tư. Để tránh tình trạng thua lỗ, trước khi bắt đầu kinh doanh nhượng quyền, các nhà đầu tư không nên chạy theo trào lưu mà cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về thương hiệu sắp đầu tư, tính chất của ngành nghề cũng như sản phẩm sắp bán ra thị trường.

Đặng Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.