"Nông dân số" và hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại
Trong thời đại 4.0, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Nuôi gà trong… phòng lạnh
Ông Hoàng Minh Tuân (buôn Ko Đung A, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) được nhiều người biết đến với vai trò là người tạo ra thương hiệu “Gà bản địa Buôn Đôn”.
Vốn là người có kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi, năm 2017, ông Tuân đã đứng ra kết nối 7 nông hộ để thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Quân Vương.
Ngoài những thành viên "cứng", HTX cũng liên kết với gần 600 hộ dân có kinh nghiệm đang thực hiện mô hình chăn nuôi gà trên địa bàn để cùng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thống nhất chung một đầu mối về con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giúp việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… thuận lợi hơn.
Ông Hoàng Minh Tuân kiểm tra quá trình sinh trưởng của gà được nuôi trong trại lạnh. |
Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi, nhận thấy tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, biên độ nhiệt trên địa bàn rất cao khiến đàn gia cầm nuôi chậm phát triển, giảm sức đề kháng, năm 2023, ông Tuân đã đề xuất ý tưởng với ban quản trị HTX để xây dựng hệ thống thiết bị chuồng lạnh nuôi gà trị giá hơn 6 tỷ đồng.
Ông Tuân cho hay, trước đây, mô hình chuồng hở thường sử dụng biện pháp thông gió tự nhiên kết hợp với quạt thông gió công nghiệp để làm mát không khí bên trong trại. Tuy nhiên, với giải pháp này thì nhiệt độ của trại thường phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chủ trại không thể kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm bên trong không gian nên hiệu quả kinh tế không cao.
Việc xây dựng hệ thống thiết bị chuồng lạnh có tác dụng làm mát và cấp khí tươi cho chuồng trại chăn nuôi, điều hòa không khí giúp vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, nhanh lớn. Đồng thời tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh và giảm mùi hôi trong quá trình chăn nuôi.
Theo ông Tuân, mô hình này tuy đầu tư chi phí khá cao nhưng lại rất hiệu quả. Toàn bộ quy trình từ nuôi đến cho ăn đều được khép kín nên gà lớn nhanh và giảm thiểu những rủi ro về lây nguồn dịch bệnh từ bên ngoài, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại không đáng có cho người nông dân.
Bên cạnh việc đầu tư công nghệ mới vào phát triển chăn nuôi, HTX đang thực hiện thêm khâu sơ chế gà thịt, đóng gói và thiết lập mã QR truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm thịt gà hút chân không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường.
“Ngoài kết nối với các doanh nghiệp để chủ động được đầu ra cho sản phẩm, hiện nay HTX đang ứng dụng nền tảng số để kết nối với người mua. Chúng tôi đang triển khai việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và hình thức livestream để giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng ở khắp mọi miền. Việc trực tiếp quảng bá, giới thiệu sản phẩm như vậy giúp người mua có thể thấy được mẫu mã, chất lượng, từ đó tạo lòng tin cho người mua, tăng thêm uy tín cho thương hiệu”, ông Tuân cho biết thêm.
Khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao
Sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, học hỏi được nhiều điều từ nông nghiệp công nghệ cao ở nước bạn, anh Phạm Sơn (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) trở về với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2023, anh Sơn đã chuyển đổi hơn 1.000m2 đất vườn nhà và đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới để trồng cà chua nova, dưa lưới... Bên cạnh việc đầu tư kết cấu hạ tầng, anh còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao.
Anh Phạm Sơn giới thiệu về quy trình trồng cà chua nova. |
Theo anh Sơn, trồng cà chua, dưa lưới trong nhà màng không cần nhiều diện tích canh tác. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với trồng theo phương pháp truyền thống, nhưng sẽ giảm chi phí trong những vụ sau, đặc biệt là ngăn ngừa được côn trùng, giảm tối đa thuốc bảo vệ thực vật và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
“Các loại cây được trồng đều là loại chỉ phù hợp với xứ lạnh, do đó phải làm nhà lưới để bảo đảm cho cây sinh trưởng tốt. Quy trình chăm sóc khá vất vả vì các loại cây này rất dễ nhiễm bệnh, rụng bông, héo đọt khi nhiệt độ tăng cao. Việc tạo môi trường sống của cây trong nhà lưới cần quan tâm hơn về nhu cầu dinh dưỡng qua từng giai đoạn sinh trưởng của cây, theo từng mùa vụ tại địa phương để điều tiết hợp lý về phân bón và nước tưới mới khai thác được tiềm năng, năng suất và chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”, anh Sơn chia sẻ.
Thành công với vụ cà chua đầu tiên khi thu được trên 8 tấn, với giá bán dao động từ 35.000 - 70.000 đồng/kg, anh Sơn đã xuống giống dưa lưới cho vụ thứ hai. Hiện anh đã kết nối với các tiểu thương tại Đà Lạt, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk… tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế từ tiềm năng du lịch của địa phương, anh Sơn cũng quảng bá mô hình qua các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok; tìm hướng kết nối với các đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch địa phương để đưa du khách đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức.
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc