Multimedia Đọc Báo in

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình đối với hai nhóm vấn đề

19:26, 24/09/2024

Chiều 24/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng, Thường trực HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức Phiên giải trình đối với hai nhóm vấn đề...

Nhóm vấn đề thứ nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và nhóm vấn đề thứ hai là việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai.

Tham dự phiên giải trình có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Jăn Buôn Krông; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; đại diện các tổ đại biểu HĐND tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan.

Đại biểu tham dự phiên giải trình.
Đại biểu tham dự phiên giải trình.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi, ý kiến yêu cầu giải trình, đề xuất một số giải pháp thực hiện đối với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Lập; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Huấn về hai nhóm vấn đề.

Theo đó, đối với nội dung giải trình việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, đến nay các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai và đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên trong quá trình thực hiện một số địa phương còn khá chậm, một số địa phương chưa hoàn thành dứt điểm việc thanh toán chi trả.

Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Văn Toàn nêu câu hỏi đối với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Lập về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Văn Toàn nêu câu hỏi đối với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Lập về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND.

Trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, xác minh các cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn chấm dứt hoạt động và tự tháo dỡ còn gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện kiểm tra, xác minh nhiều lần.

Một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, triển khai thực hiện còn lúng túng. Các địa phương tuy đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ nhưng còn chờ UBND tỉnh quyết định nên việc bố trí ngân sách chi trả tiền hỗ trợ cho các cơ sở chậm hoàn thành…

Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Lập giải trình các nội dung đại biểu nêu tại phiên làm việc.
Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Lập giải trình các nội dung đại biểu nêu tại phiên làm việc.

Đối với nội dung giải trình việc thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời về công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai.

Kết quả trong thời gian qua, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai đã giảm dần qua các năm: Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giải quyết trong lĩnh vực đất đai chiếm 12,1%; Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giải quyết trong lĩnh vực đất đai chiếm 3,4%. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giải quyết trong lĩnh vực đất đai chiếm 0,71%. Năm 2023, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Đắk Lắk tăng 17 bậc so với năm 2022 và xếp ở vị trí 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại biểu HBlă Mlô, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Buôn Hồ đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Huấn.
Đại biểu H'Blă Mlô, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Buôn Hồ đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Huấn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai như: Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn thành. Diện tích đất còn lại chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc phức tạp, cần nhiều thời gian xác minh, giải quyết.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết TTHC của một bộ phận viên chức, người lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao và tinh thần trách nhiệm, tác phong, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được thực hiện nghiêm túc.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Huấn giải trình tại phiên làm việc.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Huấn giải trình tại phiên làm việc.

Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đang được củng cố, kiện toàn, chưa đáp ứng đủ số lượng con người để giải quyết công việc; trụ sở làm việc, trang thiết bị kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Công tác phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cấp huyện trong giải quyết TTHC còn bất cập…

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đã xem xét, đánh giá, đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận số 623/TB-HĐND, ngày 22/9/2023 của Thường trực HĐND tỉnh, kết luận phiên giải trình về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh và việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-HĐND, ngày 14/12/2022 của HĐND tỉnh.

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng ghi nhận và cơ bản thống nhất ý kiến tiếp thu, giải trình của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình. 

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại phiên giải trình.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại phiên giải trình.

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát công tác phổ biến, hướng dẫn tại địa phương, bảo đảm 100% các cơ sở thuộc đối tượng xem xét, hỗ trợ theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND nắm bắt được chính sách. Các đơn vị chức năng tại địa phương đảm bảo tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở.

Đối với UBND các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông chủ động bố trí ngân sách huyện để hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ cho các cơ sở theo quy định; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trong trường hợp ngân sách huyện không đảm bảo thực hiện chi trả. 

Về việc thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, bộ TTHC lĩnh vực đất đai đến người dân, tổ chức; khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai; công bố danh mục TTHC lĩnh vực đất đai theo Luật đất đai năm 2024.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước, nghiệp vụ về đất đai ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tăng cường quán triệt, quản lý công chức, viên chức, người lao động nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính. Từ đó nâng cao kết quả giải quyết TTHC về lĩnh vực đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.