Tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế
Thời gian qua, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tiếp sức cho người dân huyện Krông Bông xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết phát triển kinh tế tập thể ở địa phương.
Là một trong ba xã được định hướng phát triển thành vùng chuyên canh vải trên địa bàn huyện Krông Bông, hiện xã Dang Kang đã có 100 ha trồng loại cây này. Tháng 8/2024, Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây vải xã Dang Kang được thành lập, gồm 10 thành viên, với diện tích trồng vải là 12,5 ha. Các thành viên tích cực hỗ trợ nhau về sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải, cung cấp giống cây trồng và liên kết với các thương lái, doanh nghiệp tại huyện Ea Kar để tiêu thụ sản phẩm.
Để tiếp sức cho nông dân phát triển cây trồng này, Hội Nông dân huyện Krông Bông đã hỗ trợ 4 thành viên vay 200 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Có vốn, các thành viên đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị cho sản xuất.
Các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp trồng vải xã Dang Kang (huyện Krông Bông) được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. |
Ông Nguyễn Văn Quý, thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng vải cho hay, gia đình đã lựa chọn đưa cây vải vào trồng trên diện tích hơn 1 ha từ năm 2018. Trước đây, gia đình ông chủ yếu tưới nước cho cây bằng hình thức thủ công nên rất vất vả.
Ngay sau khi được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, ông Quý đã có thêm vốn đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích trồng vải để thuận lợi trong việc tưới tiêu, chăm sóc.
Nhờ đó, cây trồng phát triển xanh tốt, cho năng suất cao hơn trước, gia đình còn tiết kiệm được nước tưới, giảm thời gian và công lao động. Không chỉ gia đình ông Quý mà các thành viên trong tổ cũng rất phấn khởi khi được vay nguồn vốn ưu đãi này để đầu tư mở rộng diện tích trồng vải của mình.
Để phát triển cây lúa bền vững, năm 2021, có 12 hộ dân ở xã Yang Reh đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa Nam Bình, liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn xã sản xuất 100 ha lúa giống ST24. Tổ hợp tác hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, phân bón và liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng dự án “Sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao”, 10 thành viên của tổ hợp tác đã được vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để đầu tư sản xuất. Có thêm nguồn vốn, cùng những thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước ở địa phương đã giúp cây lúa phát triển tốt, trồng được hai vụ/năm, năng suất trung bình đạt 10 tấn lúa tươi/ha, mang lại lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng/ha cho người dân.
Tổ hợp tác sản xuất lúa Nam Bình (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) thu hoạch lúa. |
“Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương và địa phương, các thành viên tổ hợp tác đã sử dụng vốn hiệu quả, tích cực đầu tư giống, phân bón và máy móc sản xuất. Cùng với liên kết đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá như trước nên bà con rất phấn khởi, yên tâm chăm sóc cây trồng. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện tổ hợp tác đang định hướng phát triển thành hợp tác xã để tạo thuận lợi hơn cho việc sản xuất”, ông Lê Văn Tỵ, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa Nam Bình chia sẻ.
Không chỉ duy trì, quản lý tốt các nguồn vốn vay từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội Nông dân huyện Krông Bông còn vận động người dân tích cực xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để có nguồn lực hỗ trợ cho các mô hình kinh tế.
Đến nay, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đạt 3,4 tỷ đồng, giúp cho 230 hội viên vay phát triển 60 dự án. Nhờ phân bổ nguồn vốn tập trung vào các dự án được đánh giá là giàu tiềm năng nên đã phát huy hiệu quả rõ rệt, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trong đó phải kể đến những mô hình nổi bật như: chăn nuôi bò nhốt chuồng ở xã Hòa Sơn, chăn nuôi bò thâm canh ở Hòa Thành, trồng dâu nuôi tằm ở xã Yang Reh, trồng vải ở xã Dang Kang….
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc