Multimedia Đọc Báo in

Vốn tín dụng chính sách xã hội: Động lực giúp phụ nữ vươn lên

08:20, 30/09/2024

Thời gian qua, Hội LHPN các cấp là “cánh tay nối dài” đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với phụ nữ nghèo và đối tượng chính sách khác, giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

“Cầu nối” đưa vốn đến hội viên

Hội LHPN xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) hiện có hơn 3.000 hội viên, với 21 chi hội. Trên địa bàn xã có 531 hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ủy thác qua hội, với tổng dư nợ hơn 22,7 tỷ đồng.

Theo bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tiêu, Hội thường xuyên tuyên truyền chính sách vốn vay ưu đãi, bình xét lựa chọn những đối tượng vay đủ điều kiện để sử dụng vốn đúng mục đích; phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… cho chị em. Nhờ vậy, hầu hết các đối tượng vay vốn đều sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả.

Nhiều hộ vay ban đầu với mục đích trồng cà phê, cải tạo lại vườn cây… nhưng sau khi có lợi nhuận, họ đã biết phát triển kinh tế thêm nhờ trồng xen canh nhiều loại cây trên diện tích đất sản xuất, làm vườn ươm cây giống, buôn bán tạp hóa, chăn nuôi…

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin cùng Hội LHPN xã Ea Tiêu kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của hộ vay tại buôn Kram (xã Ea Tiêu).

Xã Buôn Tría (huyện Lắk) hiện có 643 hội viên phụ nữ, trong đó có 341 hộ vay vốn từ Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội Phụ nữ, với tổng dư nợ hơn 18 tỷ đồng. Hội LHPN xã đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và người dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhờ vậy, nhiều hội viên tiếp cận được nguồn vốn kịp thời để vươn lên thoát nghèo bằng các mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng cà phê, nuôi bò sinh sản… Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tại địa phương giảm từ 3 - 4 hộ.

Toàn tỉnh hiện có 294.263 hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 2.199 chi hội. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cấp hội chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời bảo đảm kiểm tra hoạt động cho vay mà Ngân hàng CSXH ủy thác, trong đó chú trọng kiểm tra mục đích sử dụng vốn của hộ vay, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, họp bình xét cho vay, đôn đốc, giám sát tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ và lãi theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được chú trọng. Cụ thể, trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức 130 lớp tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, quy trình giải ngân, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn thủ tục, quy định mới trong hoạt động ủy thác... cho 12.765 lượt cán bộ hội và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.

Vươn lên từ vốn vay ưu đãi

Hội LHPN tỉnh hiện quản lý 53.581 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 2.478 tỷ đồng, tăng hơn 1.406 tỷ đồng so với năm 2014, mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 10%/năm. Bên cạnh đó, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã huy động được hơn 130 tỷ đồng để tạo thói quen tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

Để giúp phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với ngành liên quan tổ chức 902 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao công nghệ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thu hút 119.314 lượt phụ nữ vay vốn tham gia. Đồng thời, phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tổ chức 426 lớp dạy nghề cho 15.024 phụ nữ nông thôn.

Hội viên phụ nữ xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) phát triển chăn nuôi từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhờ được tạo điều kiện về nguồn vốn, nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Như gia đình bà H'Lăc Niê (buôn M'Suốt, xã Krông Jing, huyện M’Drắk) vốn rất khó khăn vì hoàn cảnh đông con, thiếu vốn sản xuất.

Năm 2007, bà được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng để mua hai con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vật nuôi phát triển tốt, hằng năm sinh sản đều đặn; sau ba năm, thu nhập từ đàn bò giúp gia đình bà trả hết toàn bộ tiền gốc, lãi cho ngân hàng và thoát nghèo.

Gia đình bà còn tích lũy tiền mua thêm đất sản xuất. Hiện nay, với thu nhập từ chăn nuôi và trồng lúa, keo, sắn..., gia đình bà trở thành hộ khá giả trong buôn. Bên cạnh đó, vốn vay tín dụng CSXH cho học sinh, sinh viên còn góp phần giúp hai người con của bà học cao đẳng, đại học.

Vốn tín dụng CSXH cũng là “bệ đỡ” giúp gia đình chị H’Bren Knul (buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) từng bước vươn lên làm giàu. Trước đây, gia đình chị H’Bren có 5 sào trồng cà phê xen hồ tiêu song đất đai bạc màu, năng suất thấp.

Năm 2020, thông qua Hội LHPN được vay 50 triệu đồng từ Chương trình vay vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH, chị mua phân bón để cải tạo đất, trồng xen thêm cau, sầu riêng...

Chị còn tham gia các lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật nông lâm nghiệp do Hội Phụ nữ tổ chức nên đã áp dụng chăm sóc cây có hiệu quả. Nhờ vậy, vườn cây của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao. Năm nay, gia đình chị đã thu 2 tấn sầu riêng; dự kiến sẽ thu thêm 2 tấn cà phê, 1 tấn tiêu và khoảng 70 triệu đồng từ bán cau tươi. Tổng thu nhập từ vườn cây xen canh này hơn 400 triệu đồng, tăng gấp ba lần so với trước kia.

Minh Chi – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.