Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp

05:25, 27/10/2024

Tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư an toàn, ổn định, hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông VÕ NGỌC TUYÊN, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chung quanh vấn đề này.

Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

* Đắk Lắk được xem là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Ông đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh những năm qua?

Đắk Lắk có diện tích tự nhiên rộng, đứng thứ 4 cả nước (sau Nghệ An, Gia Lai và Sơn La). Đặc biệt, tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Gia Lai) với hơn 600.000 ha. Đất đai bằng phẳng, phì nhiêu, thuận lợi cho tỉnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, tiêu, sầu riêng. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, y tế, giáo dục…

Vì vậy, thu hút, xúc tiến đầu tư luôn được UBND tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh thu hút được 57 dự án, với số vốn đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư rót vốn chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ...

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án, tổng số vốn đầu tư 2.894 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số dự án phê duyệt bằng nhưng tổng số vốn đăng ký tăng 1.931 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

* Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh khá khởi sắc, nhưng những năm gần đây chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh sụt giảm mạnh. Năm 2023 có tăng cũng chỉ ở mức thấp trong cả nước. Theo ông, nguyên nhân nào khiến chỉ số PCI của tỉnh không ổn định?

Chỉ số PCI là công cụ đo lường, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố.

Doanh nghiệp thuê đất tại cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Những năm trước đây, tỉnh Đắk Lắk có chỉ số PCI trung bình của cả nước, riêng năm 2022 giảm 26 bậc so với năm 2021, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là năm Đắk Lắk xếp vị trí thấp nhất từ trước đến nay.

Nguyên nhân là do năm 2022, đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chưa mạnh về quy mô, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nên gặp nhiều khó khăn.

Việc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát phiếu thăm dò thời điểm dịch bệnh bùng phát khiến DN chưa thật sự quan tâm và điền thông tin vào phiếu thăm dò đầy đủ. Số lượng phiếu phát ra, thu về đạt chưa đến 20% nên phản ánh một phần chưa đúng thực tế tình hình của tỉnh năm 2022.

Năm 2023, tỉnh đặt quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI nên đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, bất cập để đưa ra giải pháp khắc phục, nâng cao sự hài lòng của DN. Nhờ đó chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh đã tăng lên 9 bậc so với năm 2022.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chỉ số PCI của Đắk Lắk vẫn ở thứ hạng thấp, đứng 51/63 tỉnh, thành phố, chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng mà tỉnh đặt ra. Trong đó, địa bàn rộng, dân số đông, chưa đáp ứng được hạ tầng cơ sở cho DN sản xuất kinh doanh, vận chuyển nông lâm sản hoặc giải phóng mặt bằng đất đai là một trong những điều chưa thỏa mãn nhu cầu của các DN đến Đắk Lắk.

Cùng với đó, hầu hết DN đều cần mặt bằng sản xuất kinh doanh nhưng đất của tỉnh chủ yếu là đất nông lâm trường thu hồi. Theo quy định của Luật Đất đai, thì đất từ nông lâm trường thu hồi về phải tổ chức đấu giá, xây dựng phương án sử dụng, xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư.

Đây cũng là điều chưa đáp ứng được mong đợi của DN, nhà đầu tư nên chỉ số PCI của Đắk Lắk chưa có nhiều bứt phá, tăng giảm không ổn định về điểm số và thứ hạng.

* Trước thực tế này, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng lòng tin cho DN cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả. Trong đó, giải pháp hàng đầu là thực hiện tốt truyền thông, xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của các sở, ban, ngành, địa phương; bảo đảm tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng, thực thi chính sách pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm mục tiêu phấn đấu; nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho DN, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Các hoạt động gặp gỡ, đối thoại, hỗ trợ DN… cũng phải được tăng cường triển khai nhằm giải quyết kịp thời khó khăn cho DN, từ đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.