Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc Dự án đường Phan Huy Chú

08:39, 08/10/2024

Dù triển khai thi công hơn một năm nay nhưng Dự án đường Phan Huy Chú (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn "vướng" trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đáng chú ý, đoạn đầu tuyến vẫn dang dở, gây khó khăn cho việc đi lại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Một dự án “hai số phận”

Dự án đường Phan Huy Chú (từ đoạn tiếp giáp đường 30 tháng 4 đến hết phường Khánh Xuân) giai đoạn 1 được HĐND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 12/11/2021. Công trình có chiều dài gần 3,8 km, vận tốc thiết kế 50 km/giờ, mặt đường rộng 12 m, vỉa hè mỗi bên rộng 4 m; công trình cầu trên tuyến dài 15 m. Dự án có tổng mức đầu tư 307 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố giai đoạn 2021 – 2025, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 8/2024. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 19 tháng thi công tiến độ vẫn ì ạch.

Cống thoát nước giữa đường Phan Huy Chú thi công dở dang, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo UBND phường Khánh Xuân, đơn vị phối hợp thực hiện công tác GPMB, nhờ sự đồng thuận cao của người dân trong việc bàn giao mặt bằng nên đoạn cuối tuyến (khoảng 1,4 km) hiện đã thảm nhựa mặt đường, bảo đảm việc đi lại cho người dân và phương tiện. Ông Lê Văn Sợi, người dân tổ dân phố 4 (phường Khánh Xuân) chia sẻ, hàng chục năm nay gia đình ông và các hộ dân khác phải chật vật đi lại trên con đường xuống cấp, hư hỏng trầm trọng; do đó, khi Nhà nước có chủ trương làm đường, ai cũng phấn khởi. Ở khu dân cư nơi gia đình ông sinh sống, khi được địa phương tuyên truyền, vận động, ai cũng đồng thuận bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư làm đường. Mỗi nhà chịu thiệt lùi vào một ít, tự nguyện tháo dỡ công trình, chặt bỏ cây cối để công trình sớm được thi công. Nhờ vậy, nay đoạn đường khu vực cuối tuyến đã được thảm nhựa thẳng tắp, việc đi lại, buôn bán cũng dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều.

Ngược lại với đoạn cuối tuyến, sau hơn một năm thi công, đoạn đầu tuyến vẫn còn hàng loạt vướng mắc liên quan đến công tác GPMB nên tiến độ dự án “giậm chân tại chỗ”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong công tác GPMB đoạn đầu tuyến là do một số hộ dân thuộc diện thu hồi đất cho rằng phương án bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng.

Bảo đảm quyền lợi người dân bị thu hồi đất

Bà Phạm Thị Hạnh (tổ dân phố 2, phường Khánh Xuân) bức xúc, năm 1986 gia đình bà mua mảnh đất tại nơi ở hiện tại, tháng 10/2017 gia đình bà được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp giấy phép xây dựng số 1167/GPXD, với các nội dung gồm: xây nhà cấp III, chiều cao công trình 10,5 m, gồm 1 tầng trệt và 1 tầng lầu. Tháng 9 vừa qua bà nhận được giấy thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đường Phan Huy Chú. Đồng tình cao với chủ trương làm đường của Nhà nước, song theo bà Hạnh, phương án đền bù, hỗ trợ chưa phù hợp, một số hạng mục của công trình chỉ được tính giá “0 đồng” là không đúng với thực tế bởi nhà ở của gia đình bà xây dựng dựa trên cơ sở giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Nhiều vị trí trên đường Phan Huy Chú biến thành vũng nước sau mỗi trận mưa.

Không riêng bà Hạnh, nhiều trường hợp có đất thuộc diện thu hồi đất làm đường Phan Huy Chú cũng kiến nghị cơ quan liên quan xem xét lại phương án đền bù, hỗ trợ.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có văn bản trả lời một số hộ dân thắc mắc về phương án đền bù, hỗ trợ “0 đồng”. Theo đó, đối với diện tích đất ở của các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ đủ điều kiện để đền bù, hỗ trợ; đối với vị trí đất thuộc chỉ giới giao thông sẽ không đủ điều kiện để được bồi thường về đất.

Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân Nguyễn Đình Chung cho biết, triển khai Dự án đường Phan Huy Chú, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của phường đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đáng mừng là dù chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng 129 hộ dân ở đoạn cuối tuyến đã tự tháo dỡ hàng rào, vật kiến trúc trên đất để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. Hiện còn một số hộ dân (chủ yếu đoạn đầu tuyến) chưa bàn giao mặt bằng, nên chưa thể thi công, UBND phường đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng vận động từng hộ dân; quá trình triển khai địa phương sẽ ghi nhận các kiến nghị của người dân và báo cáo cấp có thẩm quyền hướng giải quyết phù hợp, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Triển khai Dự án đường Phan Huy Chú có 428 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 129 hộ cuối tuyến đã bàn giao, 184 hộ đoạn đầu tuyến đã và đang di dời tài sản, vật kiến trúc trên đất và tiếp tục bàn giao mặt bằng; còn lại 96 hộ đã công khai phương án và 19 hộ chưa có giá đất bồi thường.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.