Multimedia Đọc Báo in

Chương trình 1719: Thêm lời giải cho bài toán thủy lợi ở vùng biên

08:26, 17/10/2024

Được nâng cấp, xây dựng kiên cố công trình kênh mương, những năm gần đây, các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện biên giới Buôn Đôn như được tiếp thêm nguồn lực để giải bài toán thiếu nước và ngập úng trong vụ mùa…

Đrang Phôk là buôn duy nhất nằm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Don, cách trung tâm huyện Buôn Đôn khoảng 50 km. Buôn có 145 hộ, 528 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai và Lào sinh sống.

Cánh đồng lúa nước duy nhất ở buôn, rộng 35 ha từ lâu trở thành nguồn sống của nhiều thế hệ. Anh Y Cường Niê, buôn trưởng buôn Đrang Phôk cho biết: Buôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm trên mọi lĩnh vực, nhất là việc hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế gia đình. Một trong những dấu ấn rõ nét nhất là việc người dân được hỗ trợ khai hoang, xây dựng cánh đồng Đrang Phôk, đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng. Mới đây nhất, buôn được đầu tư kiên cố hóa kênh tiêu nước cho đồng lúa.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn (bên trái) tìm hiểu tình hình sản xuất của người dân trên địa bàn.

Trước đó, kênh tiêu nước trên cánh đồng buôn Đrang Phôk nhận nước từ bàu nước Hòa Sen, có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho 35 ha đất canh tác. Nhiều năm sử dụng, kênh tiêu bằng đất bị bồi lắng, sạt lở, không phát huy được công năng tiêu úng, gây ngập cục bộ khoảng 15 ha, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, trồng trọt của nhiều hộ dân.

Để bảo đảm nguồn nước ổn định, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho bà con, huyện Buôn Đôn đã kiên cố hóa kênh tiêu với chiều dài toàn tuyến trên 700 m. Kinh phí thực hiện trích từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1719). Hiệu quả kênh tiêu khá rõ rệt khi thoát nước cho cánh đồng, kết hợp tận dụng nước tiêu từ khoảnh ruộng trên để tưới cho khoảnh ruộng dưới.

Anh Y Ôch Knul cho hay: Canh tác ở cánh đồng nhiều năm, anh chứng kiến nhiều đổi thay qua từng mùa vụ. Nếu trước đây, anh và bà con trong buôn chỉ trồng được một vụ mùa, phụ thuộc nước trời, thì nhiều năm nay đã xuống giống được hai vụ. Giờ đây, nước tưới không lo, nước tiêu không phải nghĩ, nên việc trồng trọt cũng nhàn hơn. Gia đình anh có 3 ô ruộng, tương đương khoảng 1 sào, cho thu về khoảng hơn 6 tạ/vụ. Năm nay mưa thuận gió hòa, nên cánh đồng nặng trĩu bông lúa, mang đến một vụ mùa ấm no cho cả gia đình.

Kênh tiêu nước trên cánh đồng buôn Đrang Phốk đã được kiên cố hóa.

Niềm vui được mùa cũng hiện hữu trên khuôn mặt anh Y Rô Ađrơng. Nhà anh có 2 sào ruộng, mỗi năm thu về hơn 1 tấn lúa/vụ. Chăm chỉ, chịu khó, nhưng anh Y Rô Ađrơng luôn canh cánh nỗi lo thiệt hại mỗi khi mùa mưa đến. Anh chia sẻ: Trước đây, nhiều gia đình có ruộng ở vùng ngập, chỉ làm được một vụ mùa. Giờ đã có kênh tiêu nước, bà con thêm an tâm xuống giống, tăng vụ để tăng sản lượng cây trồng…

Dòng nước mát từ các tuyến kênh tưới cũng làm khởi sắc thêm cánh đồng buôn Ea Mar. Anh Nguyễn Văn Hà, buôn trưởng buôn Ea Mar (xã Krông Na) cho hay, toàn buôn có 241 hộ với 891 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều năm trước, việc sản xuất trồng trọt của buôn gặp không ít khó khăn. Buôn có cánh đồng rộng 30 ha, nhưng tuyến kênh tưới bằng đất thường xuyên bị bồi lắng, dù nạo vét thường xuyên nhưng cây cỏ vẫn mọc rậm rạp, ngăn chia lưu lượng dòng chảy. Thiếu nước, nhiều ô ruộng chỉ biết trông chờ nước trời nên mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ mùa. Kể từ năm 2020 đến nay, buôn đã và đang được đầu tư kiên cố hóa hệ thống tuyến kênh mương nội đồng, góp phần bảo đảm cung cấp tốt hơn lượng nước tưới cho ruộng vườn, hoa màu trên địa bàn.

Không chỉ xây dựng kênh tiêu trên cánh đồng buôn Đrang Phôk, kênh tưới trên cánh đồng buôn Ea Mar, mà còn rất nhiều công trình, dự án khác đã và đang được huyện Buôn Đôn triển khai xây dựng từ Tiểu dự án 1 của Dự án 4 (Chương trình 1719) về “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”.

Ông Sao Y Me, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn chia sẻ: Từ nguồn vốn đầu tư phát triển, đến nay, huyện Buôn Đôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10/16 công trình. Cụ thể là đã bê tông hóa, nhựa hóa hơn 6.611 m đường giao thông nông thôn; xây dựng hơn 2.567  m kênh mương; nâng cấp một số phòng học, sân trường phục vụ công tác giảng dạy và học tập; phục vụ đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, ngày càng tạo điều kiện cho người dân địa phương thêm yên tâm lao động sản xuất, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.