Cơ chế, chính sách vẫn chậm và thiếu
Chỉ còn vài tháng nữa là thị trường carbon sẽ triển khai thí điểm nhưng đến nay, việc hoàn thiện hệ sinh thái chính sách cho thị trường này vẫn còn nhiều lúng túng.
Thiếu khung chính sách
Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định về giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Đồng thời, chúng ta đang trong quá trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn trao đổi tín chỉ carbon vào năm 2025, với kỳ vọng vận hành chính thức hệ thống mua bán tín chỉ carbon vào năm 2028.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho việc phát triển thị trường carbon.
Mô hình sản xuất lúa giảm phát thải ở huyện Krông Ana đang giúp nông dân giảm đến 30% chi phí đầu tư. |
Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả thị trường carbon thì cần có khung pháp lý rõ ràng về quyền carbon và chia sẻ lợi ích. Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững – VFCO (Cục Lâm nghiệp) cho rằng, quy định pháp luật thiếu chi tiết và chưa rõ ràng về quyền carbon, cơ chế chia sẻ lợi ích; thiếu chính sách đầu tư và liên kết, khuyến khích và hỗ trợ; thiếu các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ khối tư nhân; yêu cầu cao trong xây dựng và báo cáo kết quả thực hiện các dự án carbon; sự phối hợp, liên kết giữa các bên liên quan còn yếu. Mặt khác, Việt Nam thiếu các tổ chức cấp và chứng nhận tín chỉ carbon trong nước, dẫn đến chi phí liên quan rất cao. Đây chính là những rào cản khiến cho việc hình thành thị trường carbon tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trương Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk (huyện Lắk), để vận hành hiệu quả thị trường carbon thì cần tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường carbon; bảo đảm hiệu quả thực hiện; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hạ tầng cơ sở phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon được hoàn thiện…
Hiểu đúng về thị trường carbon
Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa, Trưởng Ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) lưu ý, mục tiêu của thị trường carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung để thực hiện cam kết giảm phát thải chứ không phải là một ngành kinh tế mới. Nếu đi theo hướng đầu tư, môi giới là đang sai hướng. Vì đây là sản phẩm phi vật lý, có tính thời lực, nếu đến thời điểm mà không bán được thì sản phẩm sẽ mất giá trị.
Theo đó, khi làm theo hướng phát thải thấp, có công nghệ theo dõi "dấu chân" carbon, Việt Nam có thể công bố điều này trong sản phẩm. Nếu đó là phương pháp chuẩn đúng, khi châu Âu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), sản phẩm của Việt Nam có thể chứng minh là đã làm đúng quy trình carbon thấp, không lo về việc bị đánh thuế bổ sung.
Sản xuất và sử dụng phân bón đóng góp 76 - 83% lượng phát thải vùng sản xuất. |
Còn Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, việc tham gia sản xuất lúa giảm phát thải chỉ với mục đích bán tín chỉ carbon là một cách hiểu sai lầm. Lợi ích kinh tế lớn nhất không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ carbon mà còn ở việc giảm các chi phí đầu vào thông qua quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải và tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn cũng mang lại giá trị thặng dư đáng kể.
Hiện nay, tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon là vấn đề mới. Để người dân hiểu đúng vấn đề và những khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực rất mới này thì vai trò truyền thông cần được thúc đẩy và đóng vai trò quan trọng. Điều này góp phần tri thức hóa nông dân theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Minh Châu
Ý kiến bạn đọc