Multimedia Đọc Báo in

Dự kiến có 250 gian hàng tham gia Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024

09:25, 17/10/2024

Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 20 đến ngày 24/11 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk (số 02, đường Hùng Vương, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột).

Hội chợ có quy mô dự kiến 250 gian hàng tiêu chuẩn (9 m2/gian hàng) của 100 đơn vị, doanh nghiệp (DN) đến từ các tỉnh Tây Nguyên, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh.

Với tính chất là hội chợ thương mại, dịch vụ tổng hợp, Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024 trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền, địa phương; hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm; mặt hàng điện, điện tử, điện máy, điện lạnh; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng khác; các gian hàng dịch vụ (bất động sản, tài chính, viễn thông, du lịch…).

Sơ đồ Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024.
Sơ đồ Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024.

Các hoạt động chính diễn ra tại hội chợ gồm: lễ khai mạc; giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quảng bá và mua bán các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của các địa phương; hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng kinh tế giữa các nhà đầu tư với DN, tổ chức, cá nhân.

Sở Công Thương cho biết, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng hoặc đất trống (nhưng không vượt quá 10.000.000 đồng/đơn vị theo quy định).

Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024 được tổ chức nhân Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 – 22/11/2024). Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương, DN, hợp tác xã, nhà đầu tư trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh thành trong nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh.

Đồng thời, giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giúp cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng.

Đây cũng là một hoạt động nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc chú trọng phát triển thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng và tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.