Gian nan quản lý rừng giáp ranh
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều diện tích rừng giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai. Những khu vực rừng này rộng, trải dài qua nhiều huyện, là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, tập trung nhiều loài gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, do đó thường xuyên bị các đối tượng dòm ngó để khai thác lâm sản trái phép, gây áp lực lớn lên công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô quản lý hơn 27.000 ha rừng, trong đó có một phần diện tích giáp ranh với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) và huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Theo ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, trong những năm qua khu vực giáp ranh này luôn là "điểm nóng" về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các đối tượng thường lén lút xâm nhập vào rừng để khai thác các loại gỗ quý như: cẩm lai, hương, căm xe sau đó gùi, vác, hoặc dùng xe độ chế vận chuyển ra ngoài.
Nguyên nhân chính đến từ việc dân cư vùng giáp ranh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống còn nghèo khó, thu nhập phần lớn phụ thuộc vào tài nguyên rừng nên các đối tượng đầu nậu lợi dụng điều này lôi kéo bà con vào rừng khai thác lâm sản bán cho chúng.
Bên cạnh đó, diện tích rừng giáp ranh thường cách xa trụ sở của đơn vị, có nơi cách gần 100 km nên việc xử lý các vụ việc vi phạm lâm luật gặp rất nhiều khó khăn.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. |
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chỉ tính riêng khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến nay đã phát hiện 474 vụ vi phạm lâm luật, trong đó xử lý hình sự 28 vụ, xử lý hành chính 446 vụ; tịch thu 437,7 m3 gỗ các loại, 202 phương tiện, công cụ, phạt tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
"Về lâu dài, ngoài tăng cường tuần tra, phối hợp, điều tiên quyết vẫn là cải thiện đời sống của người dân sống gần rừng, tạo việc làm ổn định cho họ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào rừng thì áp lực QLBVR ở đây mới giảm được” - ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết. |
Còn tại Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin, nơi có một phần diện tích giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, việc QLBVR cũng vất vả không kém. Lợi dụng địa hình rừng núi phức tạp, các đối tượng lén lút vào rừng khai thác lâm sản trái phép, đặc biệt là săn bắn thú rừng.
“Để tuần tra vào khu vực này, đơn vị phải vượt qua rất nhiều sông suối, địa hình hiểm trở. Mỗi khi xảy ra vi phạm, để điều động lực lượng tăng cường hỗ trợ mất nhiều thời gian, có khi phải di chuyển 1 ngày mới đến được hiện trường vụ việc”, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin chia sẻ.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc QLBVR vùng giáp ranh đang gặp nhiều khó khăn do diện tích rộng, trải dài qua nhiều địa phương; địa hình phức tạp, hiểm trở; điều kiện về cơ sở vật chất, thông tin liên lạc phục vụ QLBVR hạn chế; đời sống của người dân sinh sống gần rừng phụ thuộc nhiều vào rừng; các đối tượng xấu lợi dụng địa hình phức tạp, xa xôi, đi lại khó khăn, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhân dân... thực hiện các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật.
Vượt suối tuần tra rừng ở VQG Chư Yang Sin. |
Để giảm thiểu tình trạng này, trong những năm qua, ngoài chỉ đạo các địa phương, chủ rừng tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến rừng, UBND tỉnh cũng đã ký kết quy chế phối hợp QLBVR với các tỉnh giáp ranh.
Qua đó, các tỉnh thường xuyên liên lạc, cung cấp thông tin về QLBVR cho nhau; phối hợp kiểm tra, truy quét, xử lý các vụ việc xảy ra tại vùng giáp ranh được tổ chức thường xuyên, kịp thời góp phần giảm đáng kể các hành vi chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và phá rừng trái pháp luật tại vùng giáp ranh; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về QLBVR cho người dân vùng giáp ranh…
Bảo Ngọc
Ý kiến bạn đọc