Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhiều cầu treo xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

05:23, 30/10/2024

Trên địa bàn huyện Krông Bông hiện có nhiều cầu treo đã xuống cấp, nguy cơ xảy ra tai nạn cao, cần sớm được nâng cấp, sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn cho người dân đi lại.

Xã Hòa Phong có 2 cầu treo bắc qua sông Krông Bông phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Tuy nhiên, 2 cây cầu này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu treo buôn Tliêr được xây dựng từ năm 2007, có chiều dài 80 m, rộng 2,2 m. Đây là cây cầu duy nhất để gần 2.000 hộ dân ở buôn Tliêr và thôn 3 đi sang vùng sản xuất nông nghiệp rộng hơn 1.460 ha bên kia sông canh tác. Sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục của cây cầu đã bị hư hỏng nặng.

Hiện toàn bộ trụ cầu này đã bị gỉ sét, bảng mặt cầu bị bong tróc; tường cánh mố cầu hở kết cấu; lan can bị bật, xô nghiêng; thanh treo bị chùng nhiều sợi; thanh neo I200 giằng ngang cuối cầu bị mục; một số dầm ngang bị cong vẹo. Trong khi đó, cầu thường xuyên phải chịu tải trọng lớn, nhất là trong mùa thu hoạch nông sản, người dân cũng như các loại phương tiện qua lại rất nhiều.

Việc người dân chở hàng hóa, nông sản quá tải trọng cho phép khiến các cầu treo ở huyện Krông Bông nhanh hư hỏng, xuống cấp.

Gia đình ông Võ Văn Bảy (ở thôn 3) có 1,4 ha đất trồng cà phê và lúa nằm bên kia sông Krông Bông nên trung bình mỗi ngày ông phải di chuyển qua cầu treo này từ 5 - 6 lần. Mỗi lần đi qua, cầu rung lắc khiến ông rất lo sợ nhưng do không còn con đường nào khác nên ông vẫn phải chấp nhận nguy hiểm để đi. “Rất mong các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, sớm có phương án sửa chữa, khắc phục kịp thời để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại cây cầu này, đặc biệt là trong mùa mưa lũ”, ông Bảy bày tỏ.

Tương tự, cầu treo Noh Prông có chiều dài 120 m, rộng 2,7 m, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho gần 3.400 hộ dân ở thôn Noh Prông và thôn Ea Khiêm. Thế nhưng, sau 7 năm đưa vào sử dụng thì đến nay hai đầu cầu đã bị sụt lún từ 15 - 20 cm so với thiết kế ban đầu; cáp chống lắc ngang bị đứt hai đầu; cáp chủ, cáp ngang, cáp lan can bị chùng; 5 trụ lan can bị gãy; 2 cây dầm ngang bị nghiêng, cong vẹo; các mối hàn của hệ thống cột trụ đã bị hở… gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân khi lưu thông, nhất là các em học sinh phải đến trường hằng ngày.

Trước tình hình trên, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông và vận chuyển nông sản, chính quyền xã Hòa Phong đã báo cáo hiện trạng hư hỏng, xuống cấp của 2 cây cầu gửi UBND huyện Krông Bông xem xét, chỉ đạo hướng khắc phục. Đồng thời, tiến hành cắm bảng cảnh báo ở hai đầu cầu, cấm các phương tiện có trọng tải lớn đi qua.

Các đơn vị lắp bảng cảnh báo cầu hư hỏng, hạn chế tải trọng đối với cầu treo có dấu hiệu xuống cấp.

Không chỉ riêng ở xã Hòa Phong, nhiều cầu treo ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Krông Bông cũng đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp như: cầu treo buôn Khanh (xã Cư Pui) bị chùng cần giằng dọc, cáp chống lắc và thanh treo, gối cầu bị mất; cầu treo buôn Ea Chố (xã Yang Mao) hư mố cầu, mái taluy bị vỡ dẫn đến sạt trượt đất, lan can bị bong bật mối hàn ở nhiều vị trí; cầu treo Cư Drăm (xã Cư Drăm) mất lan can đầu cầu, dầm ngang bị xô nghiêng, thiếu gối dầm dọc ở hai đầu dầm…

UBND huyện đã bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách huyện năm 2024 và nguồn ngân sách huyện năm 2025 bổ sung cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng sửa chữa cầu treo Noh Prông và cầu treo buôn Tliêr (xã Hòa Phong), với tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để tiến hành đấu thầu” - ông Nguyễn Hồng Duy, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Krông Bông.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Krông Bông, trên địa bàn huyện có 12 cầu treo, hầu hết được đầu tư xây dựng trong thời gian năm 1998 - 2017 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Hiện có 9 cầu treo đã bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn và không bảo đảm tải trọng theo thiết kế (2,2 tấn).

Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Krông Bông Nguyễn Hồng Duy cho biết, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình về lưu thông cho thấy, ngoài thời gian sử dụng lâu thì nguyên nhân chính khiến cho các cầu treo nhanh hư hỏng, xuống cấp là do người dân chở hàng hóa, nông sản quá tải trọng cho phép. Trong khi đó, việc thực hiện giám sát, quản lý và xử lý những trường hợp vi phạm tải trọng qua cầu của các địa phương chưa được chặt chẽ.

Để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông qua cầu treo, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng các cầu và đề xuất biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời, tránh để cầu bị hư hỏng nặng. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát, quản lý, vận hành khai thác và bảo vệ công trình cầu treo, nhất là công tác quản lý tải trọng theo quy định.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.