Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng:

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ, phát triển rừng

08:35, 17/10/2024

Theo Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), từ đầu năm 2025, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được nhập khẩu vào thị trường này.

Đáp ứng yêu cầu đó, thời gian qua, các địa phương và nông hộ trồng cà phê huyện Krông Năng thuộc Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (Chương trình Compact Krông Năng) đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng…

Cư Klông là thôn đặc biệt khó khăn của xã Cư Klông. Toàn thôn có 147 hộ (khoảng 100 hộ là đồng bào dân tộc Êđê), trong đó khoảng 100 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp như trồng cà phê, sầu riêng…

Bảng tuyên truyền về một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp.

Bắt đầu từ năm 2021, một số hộ trong thôn được tham gia Chương trình Compact giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh việc được hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật các hộ dân đều được tuyên truyền và ký cam kết về việc giữ rừng nhằm bảo đảm tiêu chí bảo tồn nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Anh Y Bis Niê, Chi hội trưởng nông dân ở thôn Cư Klông cho biết: “Nhờ phát triển tốt, đúng các tiêu chí, nên thời gian tới toàn thôn sẽ tham gia Chương trình Compact. Do đó, khi được các ban ngành tuyên truyền không được chặt, phá rừng để trồng cà phê, bà con đã tích cực ủng hộ và tham gia”.

Cư Klông là xã vùng 3 có 1.420 hộ với gần 5.900 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 41%. Từ khi xã tham gia Chương trình Compact giai đoạn 2021 - 2025, nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế, thoát nghèo. Để thực hiện hiệu quả Chương trình Compact, tuân thủ các Quy định chống phá rừng của châu Âu đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có sản phẩm cà phê, bên cạnh việc vận động người dân ký cam kết không chặt phá rừng, cuối năm 2023, xã Cư Klông phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức trồng mới hơn 3 ha.

Nhiều diện tích rừng được trồng mới trên địa bàn xã Cư Klông (huyện Krông Năng).

Ông Bùi Tiến Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng – Buôn Hồ cho biết, hiện diện tích đất có rừng trên địa bàn huyện Krông Năng là gần 11.718,81 ha, gồm có 5.449,60 ha rừng tự nhiên và 6.268,21 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng tính đến thời điểm hiện tại đạt 19,07%. Phối hợp thực hiện Chương trình Compact trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực quan bằng xe lưu động; phối hợp tổ chức ký cam kết không gây mất rừng ở các địa phương: Cư Klông, Ea Tam, Dliê Ya, Ea Púk, Ea Dăh và Ea Hồ.

Theo ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, châu Âu là thị trường lớn nhập khẩu cà phê Việt Nam, chiếm khoảng 40% sản lượng cà phê xuất khẩu hằng năm. Hiện, diện tích cà phê của huyện gần 24.000 ha với sản lượng trung bình khoảng 64.000 tấn. Nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ dân, hợp tác xã tham gia Chương trình Compact xuất khẩu cà phê chất lượng cao sang thị trường châu Âu, qua đó gia tăng giá trị cho cây nông sản này.

Trước yêu cầu, quy định ngày càng khắt khe của thị trường này, huyện đang tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, huyện cũng đang xây dựng và đề xuất phương án "Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân", nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã có rừng phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.