Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách đất đai tại TP. Buôn Ma Thuột

22:05, 15/10/2024

Ngày 15/10, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại TP. Buôn Ma Thuột về “Tình hình quản lý, sử dụng đất ở, đất sản xuất do Nhà nước giao (hoặc cấp) cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); thực hiện quy hoạch để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo và thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất giao (hoặc cấp) cho hộ đồng bào DTTS", thời gian từ năm 2002 đến tháng 6/2024.

TP. Buôn Ma Thuột có dân số 388.350 người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS có 61.664 người, chiếm khoảng 15,8% dân số. Thành phố còn 229 hộ nghèo (chiếm 0,21% tổng số hộ), cận nghèo là 544 hộ (chiếm 0,5%); riêng hộ nghèo là DTTS có 131 hộ, cận nghèo có 172 hộ.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lê Văn Cường phát biểu tại buổi giám sát
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lê Văn Cường phát biểu tại buổi giám sát

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, địa phương đã triển khai thực hiện cấp đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg, ngày 8/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên và Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn. Cụ thể, có 1.903 hộ đủ điều kiện được giao đất, với diện tích 256,6 ha đất ở và đất sản xuất. Một số trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đang thế chấp để vay vốn, chưa đo đạc bản đồ địa chính hoặc nằm trong vùng quy hoạch để thực hiện dự án.

Đối với Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, 185 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, 100 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở. Riêng Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, do thiếu hướng dẫn cụ thể nên thành phố chưa triển khai thực hiện được.

Thành viên đoàn giám sát tham gia ý kiến tại buổi làm việc
Thành viên đoàn giám sát tham gia ý kiến tại buổi làm việc

Thực hiện chính sách theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), năm 2023, thành phố được bố trí 396 triệu đồng để hỗ trợ cho 9 hộ có nhu cầu nhà ở; năm 2024 được bố trí 364 triệu đồng để hỗ trợ về nhà và đất ở cho 8 hộ.

Chính sách đất đai trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn một số khó khăn, hạn chế như: công tác quản lý, kiểm tra việc sử dụng, quản lý đất giao cho hộ đồng bào DTTS chưa chặt chẽ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chương trình 132, Chương trình 134 còn gặp nhiều khó khăn, đạt tỷ lệ thấp; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS nghèo còn khó khăn do không còn nhiều quỹ đất để thực hiện; một số hộ dân sử dụng đất chưa hiệu quả, khi Nhà nước giao đất xong thì một số hộ đã chuyển nhượng đất cho người khác bằng giấy viết tay...

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột thông tin về tình hình thực hiện chính sách đất đai trên địa bàn
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng thông tin về tình hình thực hiện chính sách đất đai trên địa bàn

Theo đánh giá của đoàn giám sát, Chương trình 132, Chương trình 134 đã cấp đất hiệu quả cho hộ đồng bào DTTS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tuy nhiên, việc lưu trữ cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn vẫn còn một số vướng mắc. Công tác phối hợp trong quản lý, sử dụng đất đai còn chưa đồng bộ. Đối với Chương trình 1719, tình hình triển khai chậm, khó giải ngân vốn do còn nhiều bất cập, quy định chồng chéo.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.