Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân thời 4.0

08:18, 14/10/2024

Trong thời kỳ công nghệ và khoa học phát triển, người nông dân không chỉ cần phát huy bản chất chăm chỉ, cần cù, sẵn sàng đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn phải linh hoạt, nhạy bén với thời cuộc, với cơ chế thị trường.

Nhờ dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân Đắk Lắk đã tìm được "chìa khóa" mở ra sự đổi thay và phát triển cho bản thân, gia đình và xã hội, trở thành hình mẫu cho một thế hệ nông dân thời đại mới.

Nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh

Nhận thấy xu thế sử dụng các sản phẩm thuần thiên nhiên trong việc chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều nên đầu năm 2019, từ số vốn tích lũy được, bà Trần Thị Kim Luyến (thôn 4, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) quyết định đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng và thành lập cơ sở sản xuất tinh bột nghệ.

Bà Trần Thị Kim Luyến trưng bày và giới thiệu các sản phẩm được làm từ củ nghệ tại Hội nghị tuyên truyền, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Bà Luyến cho biết: “Sau nhiều năm trồng nghệ và chỉ bán thô, tôi nhận thấy nghệ tươi nếu chỉ sử dụng theo cách thức truyền thống như ăn tươi hoặc sử dụng bình thường thì sẽ không khai thác được hết giá trị của nó. Thế nên, khi được tham quan một số mô hình sản xuất, chế biến tinh bột nghệ trong và ngoài tỉnh, tôi quyết định đi học nghề và đầu tư vào chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giúp nâng cao giá trị của củ nghệ tươi cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Hiện nay, gia đình bà đã phát triển lên 10 ha trồng nghệ tươi để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chế biến; thu nhập bình quân gần 1 tỷ đồng/năm và tạo được việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Bà đã xây dựng được 3 sản phẩm từ củ nghệ đạt chứng nhận OCOP 3 sao, tiếp cận được các thị trường lớn, ổn định đầu ra. Các sản phẩm không chỉ được bán ở các tỉnh thành trong nước mà còn được tiêu thụ ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore…

Gia đình ông Vũ Như Thuần (thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana) có 2 ha canh tác nhiều loại cây như sầu riêng, bơ, đinh lăng. Bên cạnh đó, với nhiều kinh nghiệm trong thu mua nông sản, năm 2021, ông Thuần đã thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Thành, chuyên thu mua các loại nông sản như ca cao, sầu riêng, chanh dây, dứa, sau đó sơ chế ban đầu rồi đông lạnh và xuất sang thị trường Đài Loan, Malaysia…

Riêng với cà phê, công ty của ông đã phối hợp với Hội Nông dân xã Ea Na xây dựng chương trình Cà phê bền vững phát triển vùng nguyên liệu, qua đó mỗi năm bao tiêu trên 1.000 tấn cà phê cho nông dân địa phương.

 

Trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, người nông dân không chỉ cần có kiến thức để trở thành nông dân chuyên nghiệp, nông dân của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn phải liên kết, hợp tác cũng như có trách nhiệm với cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn phát triển và văn minh” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ya Toan Ênuôl.

Mô hình sản xuất kinh doanh, tổng hợp của ông Thuần mỗi năm thu về lợi nhuận 2 tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động và việc làm thời vụ cho khoảng 60 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân đầu người từ 3 - 10 triệu đồng/tháng.

Đóng góp tích cực cho các phong trào thi đua

Trong thời gian qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực cụ thể hóa, triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều nông dân xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; xuất hiện nhiều tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thương mại dịch vụ...

Trên cơ sở đó, nhiều tổ hội, chi hội, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu đã đóng góp của cải, vật chất, nhân công lao động trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng bền vững, hiệu quả, từ đó hình thành nên chuỗi sản xuất đa giá trị, hình thành nên các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân gương mẫu đã hiến đất; đóng góp công sức, tiền của để xây dựng hạ tầng cơ sở và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Nhiệm kỳ 2018 -2023, toàn tỉnh đã có 137.066 hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua và có 102.800 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, phong trào đã góp phần cùng với địa phương giúp được 10.555 hộ nông dân nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Cán bộ Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột tham quan mô hình kinh tế của hội viên nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Riêng với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ năm 2018 đến nay các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp trên 62 tỷ đồng và gần 95.000 ngày công lao động, hiến hơn 381.400 m2 đất để nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa.

 

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.