Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ thị trường tín chỉ carbon

08:19, 23/10/2024

Với mục tiêu thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028, Việt Nam cũng như Đắk Lắk đang nắm bắt tốt các cơ hội về giảm phát thải carbon trong sản xuất nông, lâm nghiệp, cũng như tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.

Nhiều dư địa

Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Thị trường carbon trên thế giới cơ bản được vận hành theo hai cách: thị trường carbon quốc tế (tự nguyện) và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Việc tạo ra và bán tín chỉ carbon không chỉ làm tăng thêm nguồn thu nhập bù đắp cho những chi phí đầu vào công nghệ xanh mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của tổ chức, doanh nghiệp.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, không chỉ vì nguồn lực rừng phong phú (với gần 15 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hơn 42%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%), mà còn nhờ vào sự đa dạng của các dự án giảm phát thải trong nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải.

Rừng của Đắk Lắk được đánh giá có nguồn hấp thụ và tích lũy carbon để hình thành khối lượng lớn tín chỉ carbon có thể mua bán. (Trong ảnh: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin). Ảnh: Vạn Tiếp

Theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), năm 2023, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn. Tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam lọt vào top 15 trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon.

Với khoảng 497.235 ha đất có rừng, Đắk Lắk được đánh giá có nguồn hấp thụ và tích lũy carbon để hình thành khối lượng lớn tín chỉ carbon. Đắk Lắk đã đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho phép được tham gia triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tỉnh Đắk Lắk.

Ông Phạm Công Trí, cố vấn kỹ thuật cao cấp của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cho rằng, thị trường carbon đang là xu hướng rất quan trọng trong sản xuất bền vững mà nổi bật ở Đắk Lắk là sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Bởi Đắk Lắk là một trong những vùng có tài nguyên rừng trọng điểm của quốc gia nên thị trường về carbon đang rất triển vọng. Hơn nữa, về lĩnh vực nông nghiệp, Đắk Lắk cũng là địa phương tiên phong trong việc tiếp cận và đặt nền móng cho thị trường hàng hóa này khi triển khai rất sớm các chương trình liên quan đến giảm phát thải như: sản xuất bền vững, sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, vùng cà phê cảnh quan…

Sẵn sàng tham gia thị trường carbon

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), hiện nay thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động. Việt Nam hiện chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon nên việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện.

Ngoài thỏa thuận ERPA Bắc Trung Bộ, Việt Nam cũng đang thực hiện thỏa thuận ERPA Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thông qua Ý định thư mà Bộ NN-PTNT ký với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) về thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030. (Nguồn: Cục Lâm nghiệp)

Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn carbon với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha. Bộ NN-PTNT đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES (hay còn gọi tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu). Đồng thời, đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Emergent để hoàn thiện Đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Ngoài tín chỉ carbon rừng, hiện nay Sở NN-PTNT Đắk Lắk cũng đã tích cực nghiên cứu, phối hợp với các bên liên quan tham gia thị trường carbon đối với một số dịch vụ khác ngoài rừng như hoạt động trồng lúa và các loại cây trồng khác có khả năng giảm phát thải khí nhà kính. Một số nội dung đã triển khai thực hiện như: mô hình Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana); Dự án sản xuất ca cao theo phương thức canh tác nông nghiệp bền vững nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế tại Việt Nam; Simexco Daklak phối hợp với Rainforest Alliance và Rabobank đã khởi động chương trình carbon tự nguyện tại xã Ea Tóh (huyện Krông Năng)...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, nếu thực hiện được thị trường tín chỉ carbon, đây có thể được xem là nguồn lợi đáng kể từ rừng và từ nông nghiệp, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Phát triển thị trường carbon cũng là một trong những giải pháp mà các quốc gia đang triển khai trong những năm gần đây để thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc