Huyện Krông Bông: Người cao tuổi “xắn tay” làm kinh tế
Với bản tính cần cù, yêu lao động, nhiều người cao tuổi trên địa bàn huyện Krông Bông đã xây dựng và duy trì có hiệu quả các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tâm niệm “còn sức khỏe là còn lao động” nên dù đã 65 tuổi nhưng ông Trần Văn Sắc (buôn Cư Ê Nun A, xã Dang Kang) vẫn hăng say lao động, phát triển kinh tế gia đình. Hiện, ông Sắc đang sở hữu mô hình canh tác đa cây và cơ sở ép dầu đậu phộng, với tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Ông Sắc cho biết, trước đây gia đình ông chỉ trồng mỗi cây cà phê nên hiệu quả không cao. Khoảng 10 năm trước, ông nghiên cứu kết hợp trồng thêm các loại cây trồng khác để tăng thu nhập. Trên vườn cà phê rộng 2 ha, ông đã chuyển đổi một phần diện tích già cỗi sang trồng sầu riêng (khoảng 6 sào), phần còn lại trồng xen thêm vải thiều, dừa, cau. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi bò nhằm tận dụng nguồn chất thải để làm phân bón cho cây, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Văn Sắc (buôn Cư Ê Nun A, xã Dang Kang, huyện Krông Bông) chăm sóc vườn sầu riêng. |
Cùng với việc chăm sóc vườn cây, năm 2016, ông Sắc tiếp tục mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng 500 m2 và mua sắm hệ thống máy móc để mở cơ sở sản xuất dầu đậu phộng. Để gia tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, ông Sắc đã đưa sản phẩm dầu đậu phộng của gia đình tham gia chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, trung bình mỗi tháng, gia đình ông cung cấp ra thị trường 300 lít dầu.
Từng công tác trong ngành giáo dục, sau khi nghỉ hưu, ông Võ Văn Phương (tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar) không nghỉ ngơi mà tiếp tục phát triển công việc kinh doanh của gia đình, đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Mặc dù nay đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động 2 cửa hàng kinh doanh điện máy và nội thất ngay tại khu vực trung tâm thị trấn.
Với phương châm "đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu", tất cả hàng hóa bày bán tại cửa hàng đều thuộc những thương hiệu nổi tiếng, uy tín, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý nên được người dân trong vùng tin tưởng tìm đến mua sắm. Công việc kinh doanh thuận lợi nên hằng năm ông đều dành một phần kinh phí trích từ lợi nhuận để trao học bổng cho học sinh nghèo, tài trợ cho các hoạt động thể dục, thể thao tại các xã vùng sâu, khó khăn như Cư Pui, Cư Drăm.
Ông Võ Văn Phương (tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) giới thiệu về cửa hàng kinh doanh đồ điện máy của gia đình. |
Ngoài hai tấm gương nói trên, còn có thể một số mô hình sản xuất, kinh doanh của người cao tuổi trên địa bàn huyện Krông Bông cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chăn nuôi heo thịt (quy mô 100 con/lứa) của hộ ông Hồ Hoàng (thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền) cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm; hộ ông Trịnh Hai (thôn 3, xã Hòa Phong) mở đại lý kinh doanh phân bón, với mức thu nhập 500 - 700 triệu đồng/năm…
Theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Krông Bông Trần Văn Dũng, bằng vốn tri thức và kinh nghiệm tích lũy được, nhiều người cao tuổi trên địa bàn huyện đã nêu gương, đi đầu trong phát triển kinh tế, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc