Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách phục hồi rừng bị phá và lấn chiếm

17:37, 26/11/2024

Nhân Kỷ niệm 65 năm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 – 28/11/2024), chiều 26/11, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm và chia sẻ kinh nghiệm phục hồi rừng.

Tại đây, các đại biểu đã ôn lại truyền thống ngành lâm nghiệp; trao đổi kinh nghiệm, cùng thảo luận, đóng góp ý kiến về định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo các đại biểu, trong những năm qua, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên cả nước nói chung và tại Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, do nhu cầu đất ở, đất sản xuất, lâm sản phục vụ đời sống nên tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến rừng bị suy giảm về cả diện tích lẫn chất lượng.

TS. Nguyễn Phú Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại Đắk Lắk, công tác phát triển rừng luôn được địa phương quan tâm. Trong giai đoạn 2020 - 2024, toàn tỉnh đã trồng được 17.183 ha (gồm 165 ha rừng đặc dụng, 157,6 ha rừng phòng hộ, 16.890 ha rừng sản xuất); 1,34 triệu cây phân tán (tương đương 1.340 ha rừng).

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk trình bày tham luận tại buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc phát triển rừng của tỉnh vẫn còn chậm. Theo thống kê thì hiện nay Đắk Lắk có hơn 30.972 ha rừng bị suy giảm trong giai đoạn 2015 - 2021 đang cần được phục hồi, đây là một thách thức lớn.

GS, TS. Triệu Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Do đó, các ngành, địa phương, chủ rừng cần triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm trong những năm qua; thực hiện rà soát, thống kê, xử lý diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm để bảo vệ, phục hồi lại rừng.

Bên cạnh đó, ngoài việc huy động nguồn lực từ xã hội để trồng rừng, các đại biểu cũng kiến nghị Nhà nước cần quan tâm bố trí nguồn vốn tương xứng để phục vụ trồng rừng, phục hồi rừng trong thời gian tới.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.